Con người có thể phát hiện được sự dối trá bằng cách quan sát các dấu hiệu lời nói và cơ thể (ví dụ, người nói dối thường ngập ngừng, nuốt nước bọt, không dám nhìn trực diện vào mắt,...). Nhưng liệu có thể phát hiện được sự dối trá của người viết chỉ thuần túy dựa vào một đoạn văn bản?
Theo Cardiff, các nhà khoa học tại Đại học Cardiff và Đại học Charles III Madrid đã phát triển một công cụ máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tên VeriPol có thể phát hiện đơn trình báo cảnh sát sai sự thật, chỉ dựa hoàn toàn trên nội dung khai báo.
Sử dụng kỹ thuật phân tích văn bản tự động và thuật toán máy học cao cấp, hệ thống VeriPol có thể nhận ra quy luật trong các đơn trình báo trộm cắp sai sự thật.
Để thực hiện được điều đó, đầu tiên các nhà nghiên cứu cho hệ thống VeriPol tiếp xúc với một số lượng lớn đơn trình báo đã bị phát hiện là sai sự thật trong quá khứ, cụ thể là hơn 1.000 lá đơn sai sự thật trong hồ sơ lưu trữ của Công an Quốc gia Tây Ban Nha. Sau đó, thuật toán sẽ phân tích từng lá đơn, lượng hóa các thành tố trong nội dung văn bản, như tính từ, danh từ, động từ, từ viết tắt, dấu câu, và con số, và bắt đầu tìm kiếm quy luật trong đó.
![VeriPol dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích từng thành tố trong văn bản.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/11/19/Anh-1-3699-1542626573.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N2bcgE7wBRGJuSfW209KAw)
VeriPol dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích từng thành tố trong văn bản.
Kết quả, VeriPol phát hiện được nhiều đặc điểm chung thường xuất hiện trong các đơn trình báo trộm cướp sai sự thật như: độ dài câu ngắn hơn và thường tập trung vào tài sản bị mất cắp thay vì bản thân sự việc; thiếu chi tiết cụ thể về diễn biến vụ việc; ít đặc điểm mô tả về kẻ gây án; không có nhân chứng hoặc bằng chứng xác thực (như nạn nhân không gọi cảnh sát hoặc bác sĩ ngay sau sự việc).
Tiến sĩ Jose Camacho-Collados tại Đại học Cardiff cho biết hệ thống VeriPol sẽ tập trung tìm những chi tiết mơ hồ trong đơn trình báo như "kẻ gây án ập đến từ phía sau" hoặc "hung thủ đội mũ bảo hiểm kín mặt" để xét độ chính xác của lá đơn. Ngoài ra, khả năng đơn trình báo có chứa tên thương hiệu lớn (như Apple hoặc Samsung) sẽ sai sự thật cao hơn so với đơn trình báo mất xe đạp hoặc trang sức.
Công cụ máy tính VeriPol được cho là có khả năng xác định báo cáo sai sự thật với xác suất là 80%. Các nhà nghiên cứu hy vọng sự tồn tại của VeriPol sẽ ngăn ngừa người dân không cố tình trình báo sai sự thật từ đó giúp tiết kiệm thời gian, sức lực, và tiền bạc của cơ quan thực thi pháp luật.
Không phải chỉ là lý thuyết suông, hệ thống VeriPol đã được chạy thử ở Tây Ban Nha như là một biện pháp bổ sung hỗ trợ cho các kỹ thuật điều tra truyền thông. Trong tuần thử nghiệm đầu tiên của tháng 6/2017, VeriPol đã giúp phát hiện và giải quyết 25 đơn báo cướp tài sản sai sự thật tại thành phố Murcia và 39 vụ ở thành phố Malaga.
So sánh để thấy được sự khác biệt, trong vòng 8 năm 2008-2016, số đơn báo sai sự thật trung bình mà cảnh sát có thể phát hiện và giải quyết trong cùng kỳ tháng 6 là 3,33 vụ ở Murcia và 12,14 vụ ở Malaga.
Tiến sĩ Jose Camacho-Collados tin tưởng nghiên cứu này cho thấy sự gian trá của con người là có quy luật, và hoàn toàn có thể sử dụng công cụ để phòng ngừa hành vi nói dối.
Theo Findlaw, hầu hết các bang ở Mỹ đều quy định hình phạt cho hành vi báo tin giả. Theo điều 148.5, Bộ luật Hình sự bang California, người vi phạm có thể là tạm giam 6 tháng đi kèm tiền phạt, bị quản chế và phải lao động công ích.
Ở Việt Nam, hành vi trình báo tin sai sự thật tới cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đến một triệu đồng, theo điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.