Nổi tiếng vì là người đầu tiên hoàn thành chuyến bay không dừng băng qua Thái Bình Dương, phi công Charles Lindbergh được nhận Huân chương danh dự - huân chương cao quý nhất của quân đội Mỹ. Nhưng chính sự nổi tiếng này đã dẫn tới tấm bi kịch của gia đình anh nhiều năm sau đó.
Tối 1/3/1932, đứa con 20 tháng tuổi của anh bị bắt cóc tại nhà riêng ở New Jersey, Mỹ. Kẻ bắt cóc để lại lá thư đòi tiền chuộc 50.000 USD tại bậu cửa sổ, nếu muốn đứa trẻ được trả về nguyên vẹn.
Tới hiện trường, cảnh sát không tìm thấy thêm dấu vết gì ngoài một chiếc thang và một chiếc đục gỗ. Tuy vậy, cả lá thư đòi tiền chuộc và hai đồ vật này đều không có dấu vân tay.
Mẩu giấy đòi tiền chuộc được viết tay ngắn gọn, có nhiều chỗ sai trong đánh vần và ngữ pháp. Ở cuối thư có hai vòng tròn xanh giao nhau bao quanh một vòng tròn đỏ, có một lỗ nằm giữa vòng tròn đỏ và hai lỗ nữa ở hai bên. Nhận định ban đầu về lá thư cho thấy người viết không nói sõi tiếng Anh và có khả năng là người Đức, dựa trên các lỗi sai trong cách phát âm.
Sau khi vụ việc đưa tin rộng rãi, ông John F. Condon - thầy giáo nghỉ hưu được vị nể tại New York - đã treo thưởng 1.000 USD cho kẻ bắt cóc nếu hắn đem trả đứa trẻ. Ngay sau đó, Condon nhận được bức thư nặc danh tự xưng là kẻ bắt cóc, yêu cầu ông làm trung gian giữa hắn và Charles Lindbergh.
Tuyệt vọng, Charles Lindbergh quyết định tuân theo yêu cầu của kẻ tống tiền. Condon và người trong thư hẹn gặp nhau tại một nghĩa trang trong vùng. Trong buổi gặp, Condon thấy giọng nói của kẻ bắt cóc “lơ lớ không sõi” nhưng không nhìn rõ mặt vì hắn luôn đứng trong bóng tối. Kẻ này khẳng định con tin vẫn an toàn và sẽ gửi lại bộ áo ngủ của đứa trẻ để chứng minh.
Sau đó ít ngày, ngày 16/03/1932, Condon nhận được bưu kiện, trong đó có chứa bộ áo ngủ trẻ con. Sau khi Charles Lindbergh xác minh đây đúng là bộ áo của con mình, Condon gửi tin nhắn cho kẻ bắt cóc với nội dung: “Tiền đã có đủ. Không cảnh sát. Không mật vụ. Tôi đi một mình, như lần trước”. Ngày 1/4, kẻ bắt cóc gửi thư cho Condon, hẹn ngày giờ trao tiền.
Charles Lindbergh chuẩn bị tiền trong một chiếc hộp gỗ được làm thủ công đặc biệt để dễ xác minh sau này. Ngoài ra, tiền giấy tuy không được đánh dấu nhưng số sê ri đã được ghi chép lại.
Ngày 2/4, sau khi đưa tiền cho kẻ bắt cóc, Condon được cho biết sẽ gửi đứa trẻ cho hai người phụ nữ vô tội. Nhưng trái với dự tính, vào ngày 12/5 cùng năm, xác đứa trẻ không toàn vẹn được tìm thấy ở khu vực gần nhà của gia đình, chỉ cách vài dặm. Khám nghiệm tử thi kết luận đứa trẻ bị đập vào đầu.
Không phát hiện ra thêm manh mối gì, cảnh sát chuyển hướng tập trung truy tìm dấu vết của khoản tiền chuộc. Cơ quan điều tra được cung cấp thông tin vào ngày 18/9/1934 khi nhận tờ tiền từ một người khách khả nghi vào mua xăng, nhân viên trạm xăng đã cảnh giác và ghi nhanh biển số xe vào cạnh tờ tiền. Đây chính là tờ tiền có số sê ri trùng với tiền chuộc bị đánh dấu.
Lần theo biển số xe, cảnh sát phát hiện ra chủ xe là Richard Hauptmann – một người nhập cư có quốc tịch Đức, từng có tiền án. Cảnh sát tìm thấy 14.000 USD tiền chuộc trong nhà của hắn.
Trong quá trình điều tra, bên công tố nhận ra có rất ít chứng cứ trực tiếp buộc tội Hauptmann nên mời chuyên gia chữ viết Albert Osborn thẩm định những lá thư đòi tiền chuộc và so sánh với thư từ cá nhân của Hauptmann.
Theo Thegrammarsnob, để khách quan nhất, Osborn quyết định kiểm tra nghi phạm như sau: Soạn ra một đoạn văn bản trong đó có chứa từ khóa, câu văn và con số giống với lá thư đòi tiền chuộc, ông yêu cầu Hauptmann tự tay chép lại nội dung ấy. Kết quả so sánh sau đó cho thấy nhiều điểm tương đồng giữa hai người viết.
- Một số từ luôn bị đánh vần và viết sai như: “not” bị viết thành “note”, “our” thành “ouer”, “place” thành “plase” và “money” thành “mony”;
- Cách viết chữ “x” và chữ “t” rất lạ.
- Chữ “o” luôn bị hở, không thành một vòng tròn khép kín;
- Chữ “t” luôn không có nét gạch ngang.
Với sự trợ giúp của chuyên gia phân tích chữ viết Osborn, Hauptmann cuối cùng đã bị kết tội và phải ngồi ghế điện vào năm 1936 về hành vi bắt cóc và giết hại trẻ em. Cho tới lúc chết, hắn vẫn không nhận tội.