Thứ hai, 13/1/2025
Thứ tư, 23/11/2022, 00:00 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế trước khi lên thành phố trực thuộc Trung ương

Ngoài việc bảo tồn di tích triều Nguyễn, tỉnh Thừa Thiên Huế đang quy hoạch đô thị, xây dựng trung tâm hành chính mới, chỉnh trang nhiều tuyến đường để chuẩn bị lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Nằm bên sông Hương, TP Huế là đô thị trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháng 7/2021, địa giới hành chính thành phố được điều chỉnh từ 70,67 lên 265,99 km2, gấp 3,8 lần.

Thừa Thiên Huế đã có nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị sau hơn 30 năm tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên cũ. Ngoài việc bảo tồn, trùng tu các di tích triều Nguyễn, chính quyền chú trọng quy hoạch đô thị phát triển theo hướng thành phố xanh, sạch, sáng.

Trước tiềm năng vốn có của thành phố, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Kinh thành Huế nằm ở bờ bắc sông Hương nhìn từ trên cao.

Đến nay, Thừa Thiên Huế có 5 di sản được UNESCO công nhận gồm: Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới (1993), Nhã nhạc cung đình là di sản văn hóa phi vật thể (2003) và 3 di sản tư liệu thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Nhiều công trình triều Nguyễn như lăng vua Gia Long, điện Thái Hòa, điện Kiến Trung... được đầu tư trùng tu. Huế được bạn bè quốc tế trao tặng nhiều danh hiệu như thành phố ASEAN về văn hóa, thành phố môi trường ASEAN, thành phố xanh của Việt Nam, thành phố Festival...

Trung tâm TP Huế ở bờ nam sông Hương là khu vực sầm uất với nhiều tòa nhà cao ốc, khách sạn. Những năm qua, các tuyến đường chính ở bờ nam sông Hương như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Qúy Đôn, Đống Đa được chỉnh trang, tạo diện mạo mới cho đô thị Huế.

Trụ sở HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trên đường Lê Lợi bên dòng sông Hương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng khu hành chính tập trung tại khu A - khu đô thị An Vân Dương ở phường Xuân Phú và phường An Đông, TP Huế, với diện tích hơn 17 ha. Theo quy hoạch, trụ sở HĐND và UBND tỉnh sẽ di chuyển về khu hành chính tập trung, dành khu nhà đất ở số 16 Lê Lợi làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Đường Lê Lợi là tuyến đường du lịch, tập trung nhiều khách sạn cao cấp, bảo tàng.

Bệnh viện Trung ương Huế nằm bên bờ sông Hương được xây dựng dưới triều vua Thành Thái năm 1894, là bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương.

Bệnh viện Trung ương Huế hiện là một trong ba bệnh viện đa khoa lớn nhất và tiên tiến nhất Việt Nam, cùng Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM. Năm 2009, bệnh viện được Bộ Y tế phong hạng đặc biệt.

Là bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Trung ương Huế có 3.939 giường bệnh nội trú và 100 giường lưu với hơn 3.000 cán bộ viên chức. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn có Bệnh viện Đại học Y dược Huế vừa là nơi đào tạo y bác sĩ cho miền Trung, Tây Nguyên, vừa khám chữa bệnh cho người dân.

Khu đô thị mới An Vân Dương với các tuyến đường như Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp trong tương lai là tuyến đường chính của trung tâm TP Huế. Các cơ quan hành chính như trụ sở UBND TP Huế, Chi cục Thuế, Kho bạc tỉnh đều được xây dựng trên tuyến đường này.

Để đạt các tiêu chí lên thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên ba phương án sắp xếp lại địa giới hành chính các huyện, thị xã và thành lập các quận. Tỉnh cũng tăng cường thu hút các nhà đầu tư lớn, tập trung xây dựng thêm cơ sở hạ tầng đô thị mới.

Thừa Thiên Huế là trung tâm giáo dục của miền Trung, tập trung nhiều trường phổ thông, đại học tên tuổi. Hai trường THPT nổi tiếng là Quốc học Huế và Hai Bà Trưng, được xây dựng dưới triều Nguyễn.

Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập từ năm 1957, là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Đại học Huế có các thành viên gồm: Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Đại học Y Dược, Đại học Nông lâm, Đại học Nghệ thuật, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Luật, Viện Công nghệ Sinh học, Trường Du lịch và 3 khoa thuộc, Phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị.

Nghị Quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị nêu rõ xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong top 300 trường đại học hàng đầu châu Á.

Người dân thành phố thoải mái đạp xe trên đường dọc sông Hương.

Với mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, những năm qua chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều dự án thay đổi diện mạo đô thị.

Tỉnh đã đầu tư có trọng điểm như các dự án di dời dân cư khu vực I khu kinh thành Huế; xây dựng khu định cư mới tại phường Hương Sơ; dự án chỉnh trang công viên dọc hai bờ sông Hương, chỉnh trang đồi Vọng Cảnh; dự án kè chống sạt lở bờ sông Hương; chỉnh trang đường Lê Lợi và 4 tuyến đường xung quanh hoàng thành...

Thừa Thiên Huế có sân bay quốc tế Phú Bài, công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm. Năm 2019, số hành khách qua đây lên 1,9 triệu. Theo quy hoạch đến năm 2030, công suất của Phú Bài tăng lên 7 triệu.

Để đáp ứng nhu cầu hành khách cũng như theo lộ trình quy hoạch, nhà ga hành khách T2 đang được xây dựng. Dự án nhà ga hành khách T2 Phú Bài bao gồm: Nhà ga, đường giao thông, sân đỗ ôtô và các hạng mục phụ trợ. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Nhà ga với thiết kế kiến trúc cung đình Huế, diện tích sàn xây dựng khoảng 22.380 m2, dự kiến phục vụ 5 triệu khách mỗi năm (trong đó 4 triệu khách nội địa), bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm.

Du khách nước ngoài tham quan TP Huế bằng xe xích lô.

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định du lịch là một trong những ngành thu ngân sách chính. 10 tháng qua, khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 1,68 triệu lượt, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt 3.709 tỷ đồng, gấp 3,3 lần.

Festival Huế lần đầu được tổ chức vào năm 2000 với chu kỳ 2 năm một lần. Kể từ đó đến nay, Festival Huế trở thành sự kiện văn hóa thu hút hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia.

Theo nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Thừa Thiên Huế sẽ là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế của châu Á vào năm 2045.

Theo đó, năm 2025 Thừa Thiên Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Cảng biển Chân Mây nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I. Trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho một số nước...

Dự kiến năm nay, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây đạt khoảng 4-4,5 triệu tấn.

Võ Thạnh