Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và một thành phố với 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn. Trong khi TP Huế, huyện Phú Lộc cả diện tích và dân số đều vượt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc Trung ương thì các huyện, thị khác lại thiếu.
Để phù hợp tiêu chuẩn, tỉnh lên phương án điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và thêm quận. Có ba phương án được đưa ra. Thứ nhất, Thừa Thiên Huế sẽ sắp xếp thành 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; phương án hai là 4 quận, một thị xã, 4 huyện và phương án ba là 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện.
Với ba phương án đưa ra bàn thảo, TP Huế sẽ sáp nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành một phường mới; nhập xã Hải Dương và phường Thuận An thành một phường mới; lập phường mới trên cơ sở nguyên trạng ba xã Phú Thanh, Phú Mậu và Phú Dương.
Sau khi sáp nhập, TP Huế sẽ được chia thành quận phía Bắc và quận phía Nam. Trong đó, quận phía Nam gồm 19 phường, quận phía Bắc 13 phường.
Thị xã Phong Điền được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của huyện Phong Điền; sắp xếp, sáp nhập từ 16 đơn vị hành chính cấp xã thành 12 đơn vị.
Huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc cùng với xã Dương Hòa sẽ được lập thành một huyện mới. Huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện A Lưới và thị xã Hương Trà được giữ nguyên.
Riêng thị xã Hương Thủy, nếu theo phương án 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện, thị xã sẽ được điều chỉnh thành quận Hương Thủy với 7 phường. Xã Phú Sơn được nhập vào phường Phú Bài, xã Thủy Tân nhập vào phường Phú Lương.
Nếu theo phương án 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện, thị xã Hương Thủy sẽ giữ nguyên hiện trạng.
Trước đó, Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Chính trị xác định, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Tháng 7/2021, địa giới hành chính TP Huế đã được điều chỉnh từ 70,67 km2, dân số 354.120 lên 265,99 km2, dân số 652.570.
Theo Nghị quyết 1211/2016 và 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 5 tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương:
- Quy mô dân số từ 1,5 triệu trở lên (từ ngày 1/1/2023, quy mô dân số từ một triệu trở lên).
- Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
- Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc từ 11 trở lên (từ ngày 1/1/2023 số đơn vị hành chính cấp huyện từ 9 trở lên).
- Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định (Đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước gấp 1,75 lần; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm 90%; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường chiếm 90%).