Chiều 18/3, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Chi cục thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại chuồng lợn gia đình ông Tạ Hồng Uẩn ở thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).
Trước đó ngày 16/3, ba con lợn nái của gia đình ông Uẩn bất ngờ chết bệnh. Chi cục thú y đến tiêu huỷ 3 con lợn này và lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, đến hôm nay nhận được kết quả dương tính với virus.
Từ kết quả trên, nhà chức trách đã tiêu hủy hai con lợn nái còn lại của gia đình ông Uẩn, đồng thời tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại gia súc trên địa bàn; lập hai chốt trực ở các tuyến đường ra vào xã Phong Sơn để kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Hưng, từ ngày 5/3 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã siết chặt việc kiểm soát gia súc vận chuyển qua địa bàn cũng như hoạt động mua bán, giết mổ lợn, tuy nhiên vẫn không thể ngăn chặn được virus lây lan.
"Chuồng nuôi lợn của gia đình ông Uẩn nằm ở khu vực heo hút, cách xa quốc lộ 1A, vì vậy cơ quan thú y thấy lạ khi ổ dịch xuất hiện tại đây. Bước đầu chúng tôi nghi vấn virus tả lợn lan đến đây qua đường du lịch, vì gia đình ông Uẩn có một quầy hàng nhỏ nơi du khách thường dừng lại ăn uống, mua sắm" ông Hưng nói.
Thừa Thiên Huế là tỉnh thứ 19 phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Trước đó ngày 1/2, Hưng Yên trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam có lợn nhiễm virus, các tỉnh, thành còn lại gồm: Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Võ Thạnh