Nửa đêm 18/3, ông Trần Văn Kỳ - Trưởng chốt kiểm dịch động vật liên ngành tuyến quốc lộ 1A, thức giấc để bắt đầu ca trực từ 1h đến 7h sáng. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, chốt này được UBND tỉnh Quảng Trị thành lập ngày 9/3, đặt ở đoạn qua xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) để kiểm dịch tất cả xe chở động vật ra vào tỉnh này.
Chốt có năm thành viên, gồm ba người của Chi cục thú y, một cán bộ quản lý thị trường và một cảnh sát giao thông. Trong đó, ba cán bộ thú y cắm chốt liên tục 10 ngày nay, ăn nghỉ tại chỗ trong căn nhà mái tôn thuê của dân; hai cán bộ liên ngành còn lại trực 24 tiếng rồi thay phiên bằng người khác.
"Mỗi ngày có bốn phiên trực, gọi là chia ca nhưng khi có nhiều xe tải chở động vật đi qua thì chúng tôi huy động toàn lực lượng để hỗ trợ", ông Kỳ nói và cho hay chốt được trang bị một máy phun thuốc tiêu trùng khử độc công suất lớn, chạy điện. Ngoài ra, đề phòng mất điện, tỉnh trang bị thêm máy phun cơ động chạy xăng.
Trong đêm, mỗi khi có xe tải chở lợn chạy đến, cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe và các cán bộ thú y bắc thang trèo lên thùng, soi đèn pin để kiểm tra kỹ càng đàn lợn bằng mắt thường; nếu không phát hiện nghi vấn về dịch bệnh thì phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ xe rồi cho phương tiện đi tiếp.
"Tất cả ôtô chở gia súc qua đây đều được chúng tôi kiểm tra giấy tờ và phun tiêu độc. Việc kiểm tra bằng mắt thường khó phát hiện được lợn đang ủ mầm bệnh hay không, nên anh em trong chốt phải nỗ lực rất cao, nhất là đêm hôm mưa gió. Chúng tôi tập trung theo dõi sắc thái, trạng thái của lợn thấy đảm bảo, không có vấn đề gì thì đóng dấu để xe tiếp tục hành trình", ông Kỳ nói.
Theo ông, dung dịch phun tiêu độc khử trùng là thuốc sát trùng Haniotdin 10%, cho phép sử dụng trên động vật và an toàn cho sức khoẻ con người.
Sau 10 ngày thành lập, chốt kiểm tra được 43 phương tiện với hơn 2.800 con lợn qua địa bàn và chưa phát hiện lợn bệnh. Những ngày gần đây, xe chở lợn từ phía Bắc qua tỉnh Quảng Trị giảm dần, từ chỗ trên 15 xe mỗi ngày, nay chỉ còn 3 chiếc vào ngày 18/3.
Bên cạnh chốt lập trên quốc lộ 1A, tỉnh Quảng Trị còn đặt điểm kiểm tra khác ở đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh. "Tỉnh có tuyến đường nối với Lào, nên vấn đề kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành chức năng để đảm bảo không có trường hợp vượt chốt mà chưa kiểm dịch", Trung tá Võ Viết Đính, Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh nói.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hai trạm kiểm dịch động vật cũng được đặt trên quốc lộ 1A. Tại đây, mỗi ca trực gồm 5 người, hai kiểm dịch viên, một cán bộ quản lý thị trường, cảnh sát giao thông và cảnh sát môi trường.
"Cảnh sát giao thông ngoài việc chốt trực còn chạy xe môtô trên quốc lộ 1A quan sát và hướng dẫn xe chở động vật dừng tại trạm. Mỗi cán bộ chốt trực được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày, thuốc tiêu độc khử trùng thì do tỉnh cấp về", ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng chi cục thú y tỉnh Thừa Thiên Huế nói.
Gần 2h sáng, xe tải chở lợn dừng ở chốt kiểm dịch trên địa bàn xã Phong Thu, tài xế xuống xuất trình giấy tờ nguồn gốc gia súc. Lúc này, ông Lê Thanh Chuẩn, nhân viên kiểm dịch kéo ống phun thuốc khử trùng cho đàn lợn trên xe, rồi cẩn thận phun thêm ở lốp, cabin. Sau gần 10 phút, xe tải tiếp tục hành trình khi được cán bộ quản lý thị trường đóng dấu qua trạm.
Các chuyến xe chở gia súc qua chốt đều được ghi chép ngày giờ, số lượng và xuất xứ vào sổ theo dõi.
Ông Chuẩn nói mỗi ngày trạm sử dụng khoảng 2 lít thuốc chuyên dụng để hòa với nước khử trùng. "Tại chốt đặt sẵn chiếc giường, hết ca trực, ai mệt quá thì vào ngả lưng, công việc lọ mọ đêm hôm nhưng vì chống dịch thì chúng tôi không quản vất vả", ông chia sẻ.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 11/3, dịch lan ra 17 tỉnh, thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.
Hoàng Táo - Võ Thạnh