"Việc đánh thuế tài sản thừa kế, ví dụ là một bất động sản (không có giao dịch mua bán), có giá trị khoảng 10 tỷ (định giá theo khung quy định). Nếu áp dụng nộp thuế tài sản thừa kế, khi đó người thừa kế không có tiền nộp (một tỷ) thì sẽ có nhiều phát sinh khác xảy ra.
Tài sản nếu bán đi để nộp thuế sẽ phải có đủ giấy tờ pháp lý, nếu người cho thừa kế mất trước khi thủ tục pháp lý hoàn tất thì sẽ rất khó giải quyết. Nếu thế chấp để vay ngân hàng thì tài sản thế chấp cũng phải có hồ sơ pháp lý đầy đủ.
Tôi cũng đã từng nghe câu chuyện của một người bạn ở Châu Âu khi băn khoăn nhiều năm để giải quyết vấn đề nộp thuế tài sản thừa kế là bất động sản từ thế hệ bố mẹ chuyển thừa kế".
Độc giả nickname The Reds đặt vấn đề như trên, sau đề xuất bỏ đánh thuế thu nhập cá nhân từ thừa kế tài sản.
Góp ý dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị bỏ chính sách thu thuế với tài sản thừa kế. Nguyên nhân bởi việc này không hợp lý, dễ gây khó khăn cho người dân, đặc biệt khi tài sản thừa kế không sinh ra thu nhập thường xuyên.
Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng kiến nghị bổ sung miễn thuế với thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng của những người trong gia đình là động sản như tàu cá, phương tiện giao thông. Việc này nhằm không phân biệt khoản thừa kế, quà tặng là bất động sản với động sản, đảm bảo phù hợp theo luật định và thực tế.
Độc giả nickname trantienktqdceo cho rằng:
"Đánh thuế thừa kế là hợp lý.
Thứ nhất, sẽ có thêm tiền cho dịch vụ an sinh xã hội về sau khi dân số càng già hoá cần hỗ trợ nhiều hơn y tế, tạo điều kiện cho giáo dục cho thế hệ trẻ.
Thứ hai, thế hệ sau muốn thừa kế phải có năng lực, tự làm mà có còn muốn hưởng từ thế hệ đi trước thì phải đóng thuế. Khiến đất nước chăm chỉ lao động hơn. Đỡ ngày ngày ngóng thừa kế. Có miếng đất mà anh chị em trong nhà tranh nhau, kiện tụng.
Thứ ba, phân bổ lại nguồn lực cho xã hội chủ. Chứ nhiều người giàu muôn đời sao, có mảnh đất mặt tiền thuê từ năm này qua năm khác. Tiền thuê ăn chơi no đủ nhiều lúc không cần lao động.
Phải đánh thuế như vậy tạo ra động lực cho thế hệ F2 và F3 cố gắng làm việc, giảm bất bình đẳng xã hội".
Không đồng ý với quan điểm trên, độc giả Thanh Y nói: "Để tích lũy tài sản thì cha mẹ, ông bà họ cũng phải lao động để kiếm tiền. Có thể lao động phổ thông tích lũy từ lương, có thể kinh doanh.
Để có khoản tiền đó thì một là tích lũy khó khăn, hai là kinh doanh hay nhận lương thì cũng đã đóng thuế. Vậy tại sao phải đóng thuế lần hai, lần ba. Không thể đánh thuế nhiều đời từ cùng một tài sản được".
Hiện tại thuế suất từ thừa kế, quà tặng khi nộp thuế thu nhập cá nhân là 10%. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thừa kế bất động sản có mức thuế phải nộp cao hơn thu nhập từ chuyển nhượng địa ốc (2%). Trong khi đó, thu nhập chịu thuế từ thừa kế bất động sản chưa có căn cứ xác định, do không mua bán trên thị trường. "Giá trị bất động sản càng cao thì thuế thu nhập cá nhân càng lớn, có thể gây sức ép với người thừa kế", Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nêu, đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại mức thuế này để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết Luật thuế thu nhập cá nhân quy định mức thu với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập (giá bán trừ giá vốn và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh, mức thuế phải nộp là 2% giá bán. Từ 2015, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức thu thống nhất là 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản. |
Hữu Nghị tổng hợp