Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10.
Ông nhấn mạnh đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định pháp luật trong mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống Covid-19. Việc này nhằm tránh lãng phí, thất thoát và tiêu cực. "Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân", Thủ tướng khẳng định.
Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra sau đó, trả lời câu hỏi liên quan giá kit và chi phí xét nghiệm đang bị đẩy lên cao tại một số địa phương, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Y tế cho biết, bộ này đã lập đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì. Đoàn thanh tra sẽ làm việc với một số địa phương để kiểm tra làm rõ và chấn chỉnh việc "loạn" giá kit xét nghiệm, chi phí xét nghiệm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị các tỉnh thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, kit test xét nghiệm", ông Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Y tế nói thêm, cơ quan này trước đó đã có nhiều văn bản hướng dẫn xét nghiệm, nêu rõ đối tượng nào trong doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc, cũng như hướng dẫn gộp mẫu xét nghiệm test nhanh, PCR nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Với các đơn vị cung ứng trang thiết bị y tế, sinh phẩm vật tư y tế..., Bộ Y tế cũng nhiều lần yêu cầu họ đảm bảo công khai, minh bạch và cho phép họ hằng tuần đưa thông tin giá kit test xét nghiệm lên cổng thông tin của Bộ để đảm bảo công khai và giá cả cạnh tranh.
Theo Bộ Y tế, chi phí xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm... Trong đó, giá của kit test phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.
Trước tháng 7, giá chi phí xét nghiệm được Bộ Y tế công bố với test nhanh là 238.000 đồng một mẫu; 734.000 đồng (với PCR). Sau tháng 7, khi Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế thanh toán theo hình thức thực thanh thực chi dựa trên kết quả đấu thầu kít của các địa phương, chi phí test nhanh tại các cơ sở y tế dao động 150.000 - 300.000 đồng. Chi phí xét nghiệm PCR là 700.000-800.000 đồng một mẫu đơn; mẫu gộp 10 dao động 200.000 đồng một mẫu...
Tuy nhiên, phản ánh với báo chí, nhiều doanh nghiệp cho biết họ từng phải trả chi phí xét nghiệm cao hơn so với mức quy định của Bộ Y tế (238.000 đồng một xét nghiệm test nhanh).
Không chỉ vậy, nhiều hiệp hội doanh nghiệp thông tin, xét nghiệm là khoản lớn trong chi phí phòng, chống dịch họ đang phải "gánh" hàng tháng nếu muốn duy trì hoạt động trong bối cảnh Covid-19. Chưa kể việc yêu cầu xét nghiệm ở mỗi địa phương lại khác nhau khiến doanh nghiệp thêm khó. Chẳng hạn quy định của Bộ Y tế chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải test nhanh, nhưng địa phương lại yêu cầu phải có xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ... Việc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu lao động trầm trọng và việc yêu cầu xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác đang làm khó doanh nghiệp.
Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit test Covid-19, trong đó 35 loại kit test nhanh và 39 loại test PCR. Ngoài 3-4 doanh nghiệp sản xuất kit test nhanh trong nước, hiện có thêm khoảng 30 doanh nghiệp được bộ này cho phép nhập khẩu. Giá sinh phẩm xét nghiệm được các doanh nghiệp đăng ký công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế khoảng 53.500-200.000 đồng cho test nhanh; 300.000-600.000 đồng cho xét nghiệm PCR.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, từ tháng 7, giá kit test nhanh giảm liên tục. Có loại kit test trong vòng một tháng giảm vài chục nghìn đồng. Chẳng hạn giá bán kit Antigen Test Kit (Colloidal Gold)" (Trung Quốc) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hùng Phát hồi cuối tháng 7 có giá 185.000 đồng một kit, nhưng tới cuối tháng 9 giá giảm còn 53.500 đồng...