Yêu cầu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, ngày 30/7.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh, cả nước ghi nhận 133.206 ca nhiễm. Covid-19 ở các tỉnh phía Nam tiếp tục phức tạp với vùng dịch lớn nhất là TP HCM ghi nhận hơn 86.000 ca nhiễm, Bình Dương xếp thứ hai với hơn 12.600 ca. Hàng chục tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chống dịch lây lan.
Theo Thủ tướng, Covid-19 với virus nCoV và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn. Trong đó, phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vaccine và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vacine. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành phải ưu tiên vaccine cho TP HCM.
Ông kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.
Các bộ, ngành phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vaccine, đặc biệt đẩy mạnh ngoại giao vaccine, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Các địa phương cần tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vaccine và thời gian.
Về công tác phòng, chống Covid-19, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp các chính sách, biện pháp kiềm chế đỉnh dịch và kéo giảm số ca mắc. Ngoài giải pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các địa phương thực hiện cách ly, giãn cách chặt chẽ nhưng đáp ứng 3 yêu cầu: hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.
Thủ tướng đánh giá khâu tổ chức thực hiện thời gian qua còn nhiều hạn chế. Theo đó, dù các chủ trương, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, nhưng việc thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ. Vẫn còn có biểu hiện rất lơ là, mất cảnh giác khi chưa xảy ra dịch hoặc khi dịch đã đi qua...
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc chuẩn bị "4 tại chỗ" của các địa phương chưa tốt, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp thì mất kiểm soát, không có khả năng đáp ứng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết nguy cơ lây lan, phát triển của dịch nên chưa chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn.
Cùng với đó, một số địa phương thực hiện các Chỉ thị 15, 16 còn chưa nghiêm ngặt. Người dân vẫn đi lại, tụ tập, giao lưu, không đeo khẩu trang, trong khi chính quyền lại chủ quan. "Dịch lây giữa người với người, nên chấp hành nghiêm việc giãn cách sẽ ngăn chặn ngay được sự lây lan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định dịch sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine hoặc có thuốc đặc trị. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.
Phó thủ tướng cũng kêu gọi tất cả lãnh đạo các tỉnh, thành trong thời điểm này nhường một phần vaccine để TP HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Lúc này từng liều vaccine cực kỳ quý giá giúp thành phố chống dịch.
Theo Phó thủ tướng, nếu các địa phương hưởng ứng chủ trương này, TP HCM sẽ kêu gọi lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vaccine. Sau khi tiêm xong, thành phố sẽ cho công nhân đi làm tiếp để vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được làm việc trong trạng thái bình thường mới.
Hữu Công - Viết Tuân