Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21/4 ký Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.
Ông cho biết kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi nhưng còn khó khăn. Năm nay, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6-6,5%, lạc quan hơn dự báo của một số tổ chức quốc tế. Để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.
Từ năm 2020, Chính phủ nhiều lần cho áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ôtô.
Việc này giúp kích cầu để người dân, doanh nghiệp tăng mua sắm xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Qua đó, các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Đồng thời, các nhà sản xuất có cơ hội tăng sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, đáp ứng nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN.
Trong 6 tháng cuối năm 2020 khi áp dụng chính sách này, lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu hơn 200.000 xe, tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Tương tự, từ tháng 12/2021-5/2022 lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 2,67 lần so với tháng trước đó. Số lượng xe đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2022 chiếm gần 50% số cả năm 2022.
Tại chỉ thị, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khác phải gỡ khó cho sản xuất kinh doanh về cơ chế, chính sách, mặt bằng, hạ tầng, nhân lực. Việc này nhằm tăng thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Bộ Công Thương phải đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước được lưu ý khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế; xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, thổi giá vàng; đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân và giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng phương án, kịch bản điều hành phù hợp nhằm đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Các bộ ngành, địa phương xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Thủ tướng lưu ý tới các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, đặc biệt với dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới. Đồng thời, cơ quan này phải có biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.
Phương Dung