-
17h04
Phiên chất vấn chiều nay kết thúc lúc 17h03
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 6 (từ 30/10 đến 1/11) đã thành công tốt đẹp.
Bà đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu.
Tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 77 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu.
-
16h30
Tăng cường nguồn lực phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Trả lời câu hỏi liên quan đến nghị quyết 120 phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nói đây là nội dung mà Chính phủ rất quan tâm.
Hồi cuối tháng 9/2017, sau hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai chủ trương và có hành động cụ thể, trước hết là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, lúa, cá đã được mùa hơn những năm trước.
Chính phủ cũng bố trí nguồn lực trên 12.000 tỷ đồng cho chương trình dự án liên quan, bổ sung 2.500 tỷ đồng; có 20 dự án tăng trưởng xanh với tổng mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh và TP Cần Thơ đã chủ động kêu gọi đầu tư, xã hội hoá nguồn lực, kết hợp công tư. Chính phủ cũng thành lập ban chỉ đạo, có cục trưởng chuyên theo dõi vấn đề này.
"Tuy vậy, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu rất lớn, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ hơn, nhất là ưu tiên hạ tầng và một số việc có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
-
16h25
Giải pháp để có sự 'đều tay' trong điều hành của Chính phủ
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về việc làm thế nào để các thành viên Chính phủ "đều tay hơn" dù kết quả lấy phiếu tín nhiệm cao, thấp khác nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: 5 ngón tay có ngón ngắn, dài nhưng đều nằm trên cùng một bàn tay, vì vậy trước tiên tất cả các thành viên Chính phủ phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước những yếu kém.
Thủ tướng nhấn mạnh 4 giải pháp. Một là, chỉ đạo kiểm tra đôn đốc tốt hơn các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thực tế, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt trong khi nơi khác trì trệ, sai sót lớn đều do điều hành mà ra.
Hai là, thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp trong công tác, kiểm tra các Cục, Vụ, Viện... chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
Ba là, mỗi thành viên Chính phủ tự rèn luyện, đổi mới sáng tạo sát dân, sát cơ sở, sát địa phương, không được lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài, qua loa, sợ trách nhiệm.
Cuối cùng, với trường hợp vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.
-
16h15
Rút kinh nghiệm sâu sắc vụ phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD
Trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...
Ông cũng đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trước đó trong phiên làm việc của Quốc hội chiều 27/10, ông Nguyễn Chiến – Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng, phải xem xét lại mức phạt trong Nghị định vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.
“Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường mua bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không được kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ nhà nước phải thu hẹp thị trường này trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”, ông Chiến nói.
-
16h14
"Nhu cầu của chúng ta không chỉ là ăn ngon mặc đẹp”
Thủ tướng cho rằng, nhu cầu, mong muốn và sự quan tâm của người dân là rất đa dạng và không ngừng phát triển, từ những điều rất cơ bản như ăn-ở-đi lại cho đến nhu cầu được giáo dục, học hành và chữa bệnh; người dân muốn có cuộc sống an vui và khỏe mạnh, có việc làm, thu nhập và sự nghiệp...
"Khi chúng ta còn nghèo thì nhu cầu có thể chỉ là “ăn no mặc ấm” nhưng xã hội khá giả hơn, nhu cầu của chúng ta không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”, mà còn là không gian phát triển ngày càng rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu", ông nói.
-
16h02
"Sức mạnh của tinh thần dân tộc"
Nhìn lại chặng đường đổi mới hơn 30 năm qua, theo Thủ tướng, "không phải chỉ để thấy niềm tin và tự hào mà quan trọng hơn là giúp chúng ta định hình cho chặng đường 30 năm tới và xa hơn nữa".
Ông nói, chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 – mốc lịch sử 100 năm Việt Nam được độc lập (1945 – 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
"Mục tiêu trên là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông kêu gọi, "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi nào, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc Cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước của dân tộc ta".
-
15h57
"Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa"
Thủ tướng cho biết, mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng.
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.
-
15h55
Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội
Từ 15h50 đến 16h35 hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
"Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước", ông nói vào đầu bài phát biểu.
-
15h10
Số lượng đại biểu chất vấn đạt kỷ lục
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thời gian dành cho phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ còn hơn 20 phút nhưng số lượng câu hỏi quá nhiều.
Bà Ngân đề nghị đại biểu cho phép Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời bằng văn bản những vấn đề chưa trả lời hết trên nghị trường.
“Chưa có lần nào số đại biểu chất vấn và tranh luận đạt kỷ lục như lần này. Danh sách chất vấn gồm 142 đại biểu, hơn 80 lượt đại biểu tranh luận”, Chủ tịch Quốc hội nói.
-
14h35
45 người bị phạt tù vì trục lợi chính sách người có công
Trả lời đại biểu Mai Thị Kim Nhung về thực hiện chính sách với người có công, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng lĩnh vực này vừa qua được thực hiện quyết liệt, nhiều địa phương đưa thành văn hoá trong triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì đã xuất hiện nhiều tiêu cực. Bộ và các địa phương đã phát hiện và đình chỉ thực hiện chính sách đối với hơn 6.500 trường hợp bao gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Qua thanh tra toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 đến 2018 với tổng số hơn 66.000 hồ sơ, đến nay Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội đã quyết định đình chỉ chính sách gần 2.300 trường hợp, do hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo; kiến nghị thu hồi hơn 194 tỷ đồng.
"Các cơ quan chức năng cũng như tòa án đã truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, án treo 124 người. Vừa qua, dịp 27/7 một số trường hợp sai phạm đã tự nguyện trả lại", Bộ trưởng Lao động cho hay.