Chiều nay thứ năm ngày 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu trước khi kết thúc phiên chất vấn của Quốc hội.
Đầu tiên, lãnh đạo Chính phủ đã cảm ơn sự tín nhiệm của đại biểu dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”, ông nói.
Sau khi đề cập đến mức tăng trưởng kinh tế “ấn tượng” của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi mới, giúp quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế, Thủ tướng cho rằng: “Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng”.
Theo ông, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 – mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 – 2045), quy mô GDP Việt Nam ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc”.
“Người Việt không chỉ có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp”
Lãnh đạo Chính phủ nói, nhu cầu, mong muốn và sự quan tâm của người dân là rất đa dạng và không ngừng phát triển, từ những điều rất cơ bản như “ăn, ở, đi lại” cho đến nhu cầu được giáo dục, học hành và chữa bệnh; người dân muốn có cuộc sống an vui và khỏe mạnh, có việc làm, thu nhập và sự nghiệp...
“Khi chúng ta còn nghèo thì nhu cầu có thể chỉ là “ăn no mặc ấm” nhưng xã hội khá giả hơn, nhu cầu của chúng ta không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”, mà còn là không gian phát triển ngày càng rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu”, ông chia sẻ.
“Phải nắm bắt xu thế công nghệ”
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5-10 năm tới và xa hơn đòi hỏi “phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa”.
Ông nêu ví dụ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc trưng là sự phát kiến một loạt các công nghệ mới kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học; tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ sinh học...
“Tất cả những điều này đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa”, ông nói.
Trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1976 khi về thăm quê thấy người dân đang luộc khoai mì đón Tết, Tổng bí thư nói: “Bà con ta còn nghèo quá! Trong đời hoạt động cách mạng, tôi đã chịu nghèo khổ, nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất, phải lo làm sao để cho dân giàu lên. Phấn đấu để đồng bào ta, các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một quả trứng, một cốc sữa mà rất khó.” Mục tiêu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đặt ra rất giản dị: “Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”.
“Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, đời sống của đại bộ phận người dân đã trở nên khá giả hơn trước đây rất nhiều nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng lõi nghèo còn nhiều hộ rất nghèo”, Thủ tướng nói.
Từ thực tế trên, Thủ tướng cho rằng “chúng ta cần đồng tâm hợp lực, đồng bộ đổi mới sáng tạo trong xây dựng và thực thi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thực sự đi vào cuộc sống với một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Ông nhắc đến việc quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án...
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Ông đề nghị sửa lại nghị định 96 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
“Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển”, Thủ tướng nói trong phần cuối bài phát biểu.
Giải pháp để có sự 'đều tay' trong điều hành của Chính phủ
Trực tiếp trả lời một số chất vấn của đại biểu, Thủ tướng đã giải đáp nhận xét về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP HCM.
Cụ thể, bà Tâm nói, mức độ tín nhiệm với Thủ tướng rất cao trong khi các Bộ trưởng được đánh giá tín nhiệm cao - thấp khác nhau, vậy Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ để bộ máy của mình hoạt động “đều tay hơn”?.
Dùng hình ảnh “năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài, nhưng đều nằm trên một bàn tay”, Thủ tướng cho rằng “cả bàn tay đó cùng chụm lại, đó chính là hình ảnh của 26 thành viên Chính phủ, trong đó có 6 Ủy viên Bộ Chính trị”.
"Có một câu rằng trăm dâu đổ đầu tằm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém", Thủ tướng xác định.
Về giải pháp khắc phục, ông nhấn mạnh phải chỉ đạo, đôn đốc tốt hơn đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành làm tốt; ngược lại nơi khác có sự trì trệ, sai sót lớn là do điều hành gây ra.
Tiếp theo, các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác, thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ trưởng tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.
“Trường hợp không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ: "Nhân đây, tôi muốn nói với một nước đông dân đông dân như Việt Nam, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp, rủi ro, cũng mong đại biểu Quốc hội thông cảm vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu".
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIV diễn ra trong 3 ngày (từ 30/10 đến 1/11). Phát biểu kết luận vào chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định công việc này đã "thành công tốt đẹp".
Bà đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu.
Tổng cộng có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 77 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Hoàng Thuỳ - Anh Minh - Võ Hải
Xem thêm: Bộ trưởng Công an cam kết 'giảm phiền hà khi làm căn cước công dân'
Xem diễn biến chính