Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo về gỡ vướng cho các dự án ngày 30/3, Bộ Tài chính cho biết có 1.533 dự án gặp khó khăn. Số này gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp vướng mắc.
Các khó khăn chủ yếu của số dự án trên chủ yếu liên quan tới xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án... Các dự án cũng được phân loại theo thẩm quyền xử lý của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và bộ ngành, địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc tháo gỡ cho hơn 1.500 dự án gặp vướng mắc nhằm giải phóng, khai thác nguồn lực rất lớn, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay. Ông yêu cầu việc gỡ vướng phải đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng "trách nhiệm tập thể, cá nhân tới đâu xử lý tới đó", "đánh chuột nhưng không vỡ bình" và không để sai chồng sai, tạo tiền lệ xấu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp ngày 30/3. Ảnh: VGP
Thời gian qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Cùng với đó, Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TP HCM ngay đầu tháng 4.
Riêng với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành trong năm nay.
Theo Thủ tướng, với vướng mắc về mặt bằng, địa phương cần giải quyết dứt điểm, căn cứ quy định để hỗ trợ phù hợp. Việc này phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Các chính sách cần "thấu tình đạt lý" với người khó khăn, yếu thế, đồng thời xử nghiêm trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối...
Các bộ ngành, địa phương cần rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch chuyên ngành bảo đảm phù hợp, đồng bộ. Các dự án có vướng mắc trong các kết luận thanh tra, bản án, đề xuất Quốc hội cho phép vận dụng chính sách đặc thù đã được thông qua.
Với dự án có sai phạm và khó thu hồi, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp, cho thời hạn khắc phục. "Tinh thần là hiệu quả, nhân văn, ưu tiên các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, sau đó mới áp dụng các biện pháp khác", ông nói. Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan không che giấu, bỏ sót, để lọt sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước.
Với các dự án khó khăn nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và không áp dụng được cơ chế đặc thù, Thủ tướng yêu cầu các bên nghiên cứu giải pháp, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Bộ Tài chính được giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý những nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền. Bộ này cũng được yêu cầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án có vướng mắc để phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp.
Phương Dung