Thông điệp nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại buổi họp báo bế mạc Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) và Hội nghị Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) ngày 26/10. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá các hội nghị này đã tổ chức rất thành công trên nhiều phương diện, cả về số lượng, thành phần tham dự và những biện pháp được nêu ra.
Cụ thể, lãnh đạo các nước đã bàn bạc về biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng của khu vực Mekong. Hội nghị cũng đề cập đến những cơ hội và thách thức của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đối với tiến trình công nghiệp hoá ở các nước, đồng thời đưa ra các biện pháp tăng hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
"Các nước CLMV có sự chậm trễ hơn trong phát triển, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tự nhiên khó khăn, nên cần phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cũng như ứng dụng nền kinh tế số vào các nước này một cách kịp thời hơn để phát huy được tiềm năng thế mạnh", Thủ tướng đề nghị.
Trả lời cho câu hỏi bằng cách nào Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác, như ACMECS hay CLMV, ông cho rằng Việt Nam cần thấy được điểm yếu của mình và trách nhiệm trong khối. Vì vậy, chuẩn bị các dự án có tính khả thi cao để kết nối rất quan trọng. "Đặc biệt, Việt Nam phải đặt vấn đề cải tạo chính mình, để nâng môi trường đầu tư kinh doanh lên. Chúng tôi hay nói phải là nhóm đầu ASEAN, chứ không chỉ nhóm CLMV", ông cho biết.
Cùng với Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF - Mekong) lần đầu tiên được tổ chức, ACMECS và CLMV là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016. Các sự kiện này diễn ra ngày 24–26/10 tại Hà Nội.
Kết thúc Hội nghị CLMV, các lãnh đạo khẳng định nhóm nước này đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Các cơ hội này xuất phát từ cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trên thế giới, tiến trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ trong khu vực, cũng như lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, lực lượng lao động, giá cả và chính sách thu hút thương mại – đầu tư.
Tuy nhiên, thách thức của khu vực này là hạn chế về nguồn lực, chịu tác động của biến đổi khí hậu cũng như bất ổn kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Vì vậy, để duy trì tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nghị đã thống nhất vừa cải cách kinh tế trong nước, vừa tăng hội nhập trong khu vực và toàn cầu. Một số biện pháp cụ thể là kết nối giao thông giữa các nước, đơn giản hoá thủ tục hải quan và phát triển nhiều khu công nghiệp dọc hành lang kinh tế, tăng thương mại xuyên biên giới, hợp tác công nghiệp, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Trong khi đó, tại Hội nghị ACMECS với chủ đề "Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng", các lãnh đạo đã thảo luận biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính cạnh tranh cho các nước, tăng hội nhập kinh tế khu vực và đề ra nhiều định hướng hợp tác. Hội nghị đã thống nhất nhiều biện pháp hợp tác về giao thông, thương mại – đầu tư, du lịch, nông nghiệp và môi trường. Mục tiêu là đưa khu vực Mekong trở thành trung tâm kinh tế năng động và phát triển bền vững.
Hà Thu