Hội nghị hằng năm Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc sáng nay tại Hà Nội có chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng". Đây là dịp Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các nhà tài trợ cho Việt Nam đánh giá tình hình kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn ODA trong một năm qua.
Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương James Adams, nhận định, các sự kiện kinh tế trên thế giới gần đây đã diễn biến theo hướng xấu đi. Trong năm 2008, Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "việc duy trì tăng trưởng và giảm đói nghèo tại các nước đang phát triển trở nên khó khăn hơn trước". Theo Phó chủ tịch WB, để vượt qua cơn bão này, Việt Nam cần tiếp tục các chương trình cải cách, trong đó đặc biệt chú trọng đến người nghèo và những thành phần dễ bị tổn thương khi kinh tế có khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Adams (thứ hai và ba từ trái sang) tại phiên khai mạc Hội nghị CG sáng nay. |
Nhận định về kinh tế Việt Nam trong năm 2009, ông Shogo Ishii, Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế có thể tăng trưởng thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh chóng. IMF dự báo, trong năm 2009, Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 5%. Tỷ lệ lạm phát sẽ lùi về dưới 10% vào cuối năm 2009, phần nhiều nhờ giá cả hàng hóa giảm.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11 vừa qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,5% trong năm 2009, chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 15%.
IMF nhận định, khả năng suy giảm kinh tế là có, bởi xuất khẩu - vốn đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam - sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới. Theo đó, trong ngắn hạn, các nhà quản lý cùng lúc phải đối mặt với nhiều vấn đề như hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh hoạt động yếu, thâm hụt tài khoản vãng lai cao.
Theo ông Shogo Ishii, hiện kinh tế thế giới khó lường trước và các dự báo cũng có thể thay đổi theo. Vì thế, mục tiêu về kinh tế của các chính phủ cũng nên thích ứng với các điều kiện đã thay đổi. IMF đề xuất, các chính sách tiền tệ nên được thực hiện một cách thận trọng và việc điều hành chính sách tỷ giá cũng nên linh hoạt.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đưa ra 10 khuyến nghị được rút ra từ tình hình kinh tế năm 2008. Trong đó, ADB nhấn mạnh sự cần thiết của việc cung cấp, giải thích các dữ liệu kinh tế vĩ mô cho đông đảo người dân để tránh tình trạng đầu tư theo phong trào trên thị trường tài chính và hàng hóa. Ông Konishi lưu ý, cần kiểm soát tốt hoạt động vay vốn và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
CG năm nay diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng ra toàn cầu, khiến nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và châu Âu suy thoái. Cùng lúc, Nhật điều tra nghi án các cựu quan chức của Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ một quan chức TP HCM tại dự án Đại lộ Đông Tây. Ngoài chủ đề của Hội nghị CG lần này là kinh tế vĩ mô Việt Nam, các nhà trợ còn bàn thảo về hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Sau 2 ngày làm việc, ngày 5/12, các nhà tài trợ sẽ công bố mức cam kết vốn vay cho Việt Nam.
Trao đổi với các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ các nhà tài trợ. "Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và đảm bảo thực hiện cam kết với các nhà tài trợ", ông nói.
Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2007, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam lượng vốn ODA 5,4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, ADB có mức cam kết cao nhất, 1,35 tỷ USD.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày sáng nay, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã điều chỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,52%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giảm và ngành xây dựng không có tăng trưởng so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp vụ đông miền Bắc hầu như mất trắng do lũ lụt. Việc tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường thu hẹp. Giá cả các sản phẩm tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm, đến nay đồng loạt giảm gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Việc làm và thu nhập của người dân có khó khăn. |
Ngọc Châu - Thanh Bình