Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, chiều 18/9.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, không khí lao động, làm ăn của người dân và doanh nghiệp đang trở lại với nhịp điệu nhanh hơn trước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước nên nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực.
"Đừng để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu", Thủ tướng lưu ý và yêu cầu tăng cường quản lý người nhập cảnh.
Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, công dân Việt Nam về nước. Mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể.
Lịch bay cụ thể sẽ báo cáo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh, cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa hành khách tại các sân bay, không để tụ tập đông người, dễ lây nhiễm. Bộ Y tế, Bộ Công an giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, báo cáo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, phải làm tốt việc hướng dẫn quy chế đón tiếp, cách ly đoàn chuyên gia, người nước ngoài, người Việt Nam về một cách chặt chẽ, thuận lợi, vừa giải quyết công việc tốt nhưng đảm bảo phòng chống dịch.
Quy trình làm thủ tục đón chuyên gia cần cụ thể và công khai bởi "tôi được biết nhiều doanh nghiệp hiện nay không biết làm thế nào", vì còn tình trạng lờ mờ, không rõ ràng. Các cơ quan phải làm thủ tục nhanh chóng, thuận lợi hơn. Các địa phương cần ngành y tế tham mưu tháo gỡ vấn đề này tốt hơn.
Việc phòng chống dịch tại cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú cần được thường xuyên kiểm tra, giám sát. Người nhập cảnh ngắn ngày được yêu cầu hạn chế tham gia dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội...
Các đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời, xử lý người nhập cảnh trái phép; khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép; doanh nghiệp nhận lao động nhập cảnh trái phép.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế có nhiệm vụ nặng nề nhất, phải tập trung hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm, cách ly; hoàn thiện quy trình giám sát phòng chống dịch những người nhập cảnh Việt Nam; đề xuất hình thức xét nghiệm nhanh người nhập cảnh tại cửa khẩu; mô hình quản lý người nhập cảnh thuận lợi.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn công cụ chung để khai báo y tế và thực hiện truy vết các trường hợp nghi ngờ; lập tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế sớm, tránh chậm trễ gây phơi nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng lưu ý các địa phương tuyên truyền đẩy mạnh cài đặt ứng dụng Bluezone lên cao hơn, không chỉ mức 24-25 triệu như hiện nay.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các sứ quán tổng hợp danh sách lao động phổ thông, lao động thời vụ bị kẹt ở các nước, đề xuất phương án phù hợp đón công dân về nước.
Đến chiều 18/9, Việt Nam trải qua 15 ngày không lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.066 ca nhiễm, 940 người bình phục; 35 người tử vong.
Vì dịch bệnh Covid-19, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước từ ngày 1/4. Đến nay, Chính phủ cho phép mở lại 6 đường bay quốc tế gồm Việt Nam - Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc); Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Hàn Quốc (từ 15/9). Từ 22/9 mở thêm hai đường bay Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào.
Mỗi đường bay tần suất không quá hai chuyến một tuần cho mỗi bên và đối tác; số lượng chuyến bay được xem xét tăng thêm phù hợp với thực tế.