Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu như trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, sáng 11/9.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao xem xét giải quyết vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế, bao gồm lựa chọn các nhóm ưu tiên nhập cảnh, cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa cho cảng hàng không quốc tế.
Các bộ ngành liên quan cũng được giao lên phương án quản lý trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly phù hợp, ban hành hướng dẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho người được nhập cảnh; tăng tần suất chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... về Việt Nam.
Theo Thủ tướng, đến nay về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép vừa phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, vừa đẩy mạnh sản xuất đã được thực hiện, "đạt kết quả bước đầu".
Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt "thông điệp 5K" - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. "Tinh thần mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan", Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Y tế phải phối hợp các bộ, ngành phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; đồng thời phải theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở đường bay thương mại quốc tế.
Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận khẩn trương chỉ đạo cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới.
Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí, chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội khi cần thiết.
Về vấn đề thu tiền xét nghiệm còn có nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xác định mức phù hợp.
Cơ quan chức năng ở các cửa khẩu tạo thuận lợi nhất về thủ tục cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam với thủ tục nhanh, gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm.
"Chúng ta nói mở cửa thì thủ tục phải thuận lợi, còn sau đó thì Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, các địa phương cách ly và xét nghiệm theo phương thức phù hợp", Thủ tướng nói.
Sáng cùng ngày, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, thông tin về đề xuất mới nhất của Bộ Giao thông Vân tải. Theo đó, giai đoạn một từ 15/9 sẽ mở 4 đường bay quốc tế thường lệ giữa Hà Nội, TP HCM đến Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Giai đoạn tiếp theo cuối tháng 9 sẽ mở tiếp đến hai đường bay thường lệ đến Campuchia, Lào.
"Các hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng và mong chờ nối lại đường bay quốc tế để giảm khó khăn. Nhu cầu đi lại của hành khách trên đường bay quốc tế cũng rất lớn", ông Thắng nói.
Theo phương án của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi tuần sẽ có 2 chuyến khứ hồi TP HCM - Quảng Châu; chặng Hà Nội/TP HCM - Tokyo có 4 chuyến khứ hồi; Hà Nội/TP HCM - Seoul có 4 chuyến; Hà Nội/TP HCM - Đài Bắc (Đài Loan) có 4 chuyến. Các hãng bay của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác sẽ chia đôi số chuyến bay.
Hành khách trên các chuyến bay là nhà ngoại giao, nhân viên công vụ, công dân Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên có nhu cầu về nước; người Việt đi lao động, người nước ngoài chuyên gia trình độ cao sang Việt Nam; chưa áp dụng với khách du lịch. Hành khách sau khi nhập cảnh sẽ được kiểm soát, cách ly.
Theo đại diện Vietnam Airlines, từ khi tạm dừng khai thác thường lệ các đường bay quốc tế từ tháng 4, hãng luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khai thác trở lại, đảm bảo ưu tiên cao nhất là phòng, chống dịch bệnh. Hãng vẫn duy trì mạng bay quốc tế qua việc đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Từ tháng 6, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại các đường bay một chiều từ Hà Nội, TP HCM đến Seoul với tần suất 2-4 chuyến và đến Frankfurt với tần suất một chuyến mỗi tuần. Dự kiến từ 19/9, hãng sẽ khai thác trở lại đường bay khứ hồi giữa Hà Nội, TP HCM và Tokyo.
Đối với việc mở đường bay quốc tế thường lệ, đại diện Vietjet Air cũng cho biết hãng sẵn sàng bay lại các đường bay quốc tế và cho rằng đã đến lúc Chính phủ cho phép mở lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam với những nước đã kiểm soát tốt dịch.
Từ ngày 1/4, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Gần đây, một số hãng hàng không nước ngoài đã được khai thác lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam, song chỉ chở hàng vào và chở khách từ Việt Nam đi. Các chuyến bay chở khách vào Việt Nam thực hiện theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao, hành khách là công dân có hoàn cảnh khó khăn, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và đều được cách ly phòng dịch.
Đến ngày 11/9, Việt Nam ghi nhận 1.059 người mắc Covid-19, trong đó 402 người nhập cảnh từ nước ngoài; 657 trường hợp mắc trong nước; 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng.
Chiều 11/9, Vietnam Airlines công bố mở bán vé các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên. Trong tháng 9, các chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita (Tokyo) khởi hành lúc 23h45 các ngày 18/9, 25/9, 30/9; từ TP HCM đi Narita khởi hành lúc 00:00 ngày 30/9.
Khách hàng đã có thể mua vé máy bay đi Nhật Bản từ hôm nay trên website và các phòng vé, đại lý của hãng trên toàn quốc. Mức giá đã bao gồm thuế, phí là từ 10.194.000 đồng/chiều.
Các chuyến bay chở khách chiều từ Nhật Bản về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có quyết định chính thức của cơ quan chức năng.