Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm trên, khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, sáng 3/3. Ông yêu cầu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình và nghiên cứu tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus trên phạm vi cả nước.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ khi thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, đến nay tỷ lệ tử vong/số ca mắc đã giảm. Một khảo sát gần đây nêu tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.
Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia nhận định chưa thể kiểm soát được Covid-19 trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được.
Dự kiến chương trình phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được ban hành trong tuần này, đặt mục tiêu kiểm soát hiệu quả đại dịch; hạn chế lây lan trong cộng đồng; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác...
Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra như đạt tỷ lệ bao phủ vaccine và chủ động cung ứng vaccine; giảm tối thiểu 30% tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong tổng số bệnh nhân được phát hiện; quản lý và điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng...
Tất cả các biện pháp chống dịch, chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ được thông tin kịp thời tới người dân để tạo đồng thuận khi thực hiện.
Đợt dịch thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm Covid-19; trong đó 2,5 triệu ca được công bố khỏi bệnh. Cả nước đã tiêm được tổng số 195 triệu liều vaccine. Ở nhóm dân số từ 18 tuổi, số mũi một được tiêm là 70 triệu liều; mũi hai là 67 triệu liều; mũi bổ sung 13 triệu liều; mũi ba 1,4 triệu liều. Ở nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi, đã tiêm được gần 17 triệu liều, trong đó 8,6 triệu liều mũi một; mũi hai 8 triệu liều.