"Chuyến đi đang được lên kế hoạch càng sớm càng tốt. Chúng tôi chưa có ngày cụ thể, nhưng cuộc gặp sẽ diễn ra rất sớm", Thủ tướng Thụy Điển nói ngày 21/10.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết đã chấp nhận yêu cầu đến thăm của Thủ tướng Thụy Điển, mô tả đây là cơ hội để kiểm tra sự chân thành của Stockholm trong việc đáp ứng các điều kiện của Ankara, trong bối cảnh ông Kristersson vừa nhậm chức.
Ông nói rằng Thủ tướng Kristersson đã đưa ra bình luận "ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố". "Tất nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra sự chân thành của họ về vấn đề này trong chuyến thăm", Tổng thống Erdogan cho biết.
Tân ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Stockholm coi quá trình gia nhập NATO là ưu tiên cao nhất, mô tả cuộc gặp giữa hai lãnh đạo là tin tích cực.
Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ truyền thống trung lập quân sự sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Chính phủ hai nước nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5, với kỳ vọng sẽ được khối quân sự phương Tây phê duyệt nhanh chóng.
28/30 nước thành viên NATO đã đồng ý để hai nước Bắc Âu gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn trì hoãn phê duyệt. Ankara yêu cầu Stockholm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, đồng thời hợp tác dẫn độ và chia sẻ thông tin "chống khủng bố", đổi lấy sự phê duyệt từ phía Ankara.
Tổng thống Erdogan cùng giới lãnh đạo tại Ankara nhiều lần cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan là nơi nương náu của các phần tử cực đoan lưu vong và ủng hộ phong trào ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi đảng Công nhân người Kurd (PKK) là khủng bố và cho rằng lực lượng dân quân Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria có quan hệ chặt chẽ với PKK, dù các lãnh đạo lực lượng này phủ nhận.
Ankara còn yêu cầu các nước Bắc Âu chấm dứt nhiều lệnh trừng phạt có hiệu lực từ năm 2019 liên quan đến chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria. Thụy Điển hôm 29/9 đã cấp phép nối lại xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong nỗ lực lấy lòng đồng minh quân sự tiềm năng.
Nếu NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, Nga sẽ trở thành nước duy nhất ven biển Baltic không phải thành viên của liên minh. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo nước này sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân "sát cửa ngõ" Thụy Điển, Phần Lan khi hai quốc gia Bắc Âu vào NATO.
Đức Trung (Theo AP)