Tại Chỉ thị 44 ngày 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này được ban hành năm 2021 nhưng tăng trưởng xanh chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, thể chế, chính sách đầu tư cho tăng trưởng xanh còn phân tán. Công cụ tài chính xanh chưa hoàn thiện, thiếu những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư mang tính đột phá, dẫn tới chưa tạo được môi trường thuận lợi để tiếp cận, huy động, thu hút và tiếp nhận nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh.
Từ trước đến nay, việc thiếu tiêu chí xanh là một trong những rào cản trong tiếp cận vốn. Trong chỉ thị lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trình ban hành tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng phải xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng xanh, tập trung nguồn vốn cho các ngành kinh tế, dự án xanh, thân thiện môi trường.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9, dư nợ tín dụng xanh đạt 664.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng hơn 7% so với cuối năm 2023.
Một trong những thách thức khi huy động, tiếp cận tài chính xanh là Việt Nam chưa có các sản phẩm tài chính xanh đặc thù, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói tại Diễn đàn kinh tế xanh ngày 26/11. Một rào cản nữa là việc chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh, gồm quy định về phân loại, xác nhận dự án và phát hành trái phiếu xanh...
Cùng với nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế, chính sách về trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Theo lộ trình tại Nghị định 06/2022 về quy định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch thị trường carbon vào năm 2025, vận hành chính thức vào 2028.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ giám sát, đánh giá phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật, tập trung nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải.
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh, năng lượng xanh, trong đó có nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh.
Thủy Trương