"Thủ tướng nghĩ rằng vẫn có những điểm không rõ ràng trong đề xuất của Ủy ban Bầu cử. Cách tốt nhất là gặp mặt và thảo luận về điều đó", Reuters dẫn lời ông Suranand Vejjajiva, tổng thư ký của thủ tướng, hôm qua nói.
Các bộ trưởng Thái Lan cho rằng theo hiến pháp việc trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 là không khả thi, tuy nhiên Ủy ban Bầu cử (EC) cho rằng nó có thể lùi lại được. Một thành viên ủy ban đề xuất ngày 4/5.
Theo Bangkok Post, Phó thủ tướng lâm thời Pongthep Thepkanchana đang gửi 70 lời mời thảo luận tới lãnh đạo các đảng phái chính trị vào ngày mai. Sự kiện dự kiến do bà Yingluck chủ trì và sẽ không đề cập đến vấn đề cải cách chính trị, một chủ đề mà Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) khăng khăng yêu cầu trước cuộc tổng tuyển cử.
Ông Suthep Thaugsuban, lãnh đạo phe PDRC đối lập, nói rõ sẽ không thảo luận với chính phủ, quân đội hay bất cứ người trung gian hòa giải nào. Ông Somchai Srisuthiyakorn, thành viên EC, cho biết cơ quan này chưa nhận được lời mời, và kể cả khi nhận được, họ cũng sẽ không tham gia thảo luận.
Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ hôm qua bắt đầu chặn những giao lộ lớn ở Bangkok nhằm làm tê liệt thủ đô, đòi bà Yingluck từ chức. Cảnh sát và binh sĩ Thái được triển khai đề phòng tình huống thành phố 12 triệu dân bị đình trệ, tuy nhiên không có dấu hiệu cho thấy chính phủ đang chuẩn bị dùng vũ lực chống người biểu tình.
Biến động trên là sự kiện mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm giữa tầng lớp trung lưu và phe bảo hoàng ở Bangkok với những người nghèo ở nông thôn ủng hộ bà Yingluck cùng anh trai là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Trọng Giáp