Theo AFP, thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban sáng nay dẫn đầu đoàn người biểu tình từ tượng đài Dân chủ tỏa ra 7 điểm trong Bangkok. Ước tính khoảng 50.000 người tham gia biểu tình.
Họ vẫy cờ, mặc áo phông có dòng chữ "Đóng cửa Bangkok" hay "Cuộc nổi dậy Thái Lan 2014", chiếm đóng và dựng sân khấu tại nhiều trục đường lớn của thành phố, trong đó có khu vực bên ngoài một trung tâm thương mại từng bị đốt phá trong bất ổn chính trị năm 2010. Người biểu tình thề sẽ ngăn chặn các công nhân viên chức đi làm và cắt điện tại các văn phòng chính phủ.
Bên cạnh các giao lộ như dự kiến, người biểu tình cũng tụ tập tại trụ sở của hãng hàng không Thai Airways và nhanh chóng chặn lối vào.
Các xe buýt chỉ được phép đi vào một số khu vực bị phong tỏa. Nhiều tuyến xe phải nhanh chóng thay đổi hành trình.
Trung tâm thương mại Central World và ba địa điểm mua sắm khác tại khu vực quảng trường Siam tuyên bố đóng cửa lúc 8h tối nay, sớm hơn mọi ngày hai tiếng.
"Đây là một cuộc cách mạng của nhân dân", ông Suthep nói.
Giới chức cho biết họ sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu có một cuộc bất ổn mới. Khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ dự kiến được điều động để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, có rất ít cảnh sát xuất hiện trên các đường phố Bangkok hôm nay.
Chính phủ Thái Lan không tìm mọi cách để ngăn người biểu tình chiếm thành phố và ông Suthep cũng cam kết sẽ rút lui nếu cuộc biểu tình biến thành "nội chiến".
Cảnh sát cho hay kế hoạch đóng cửa Bangkok gây ảnh hưởng đến 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trụ sở cứu hỏa tại các khu vực biểu tình.
Họ ước tính có 70.000 phương tiện lưu thông qua các địa điểm này trong ngày thường. Tuy nhiên, hôm nay, mọi người dường như đều chọn cách để xe ở nhà và đi phương tiện công cộng, khiến giao thông trong trung tâm thành phố cũng giãn ra. Tàu điện ngầm và tàu điện trên cao của Bangkok vẫn hoạt động và nhiều người vẫn đi làm như bình thường.
Theo Bangkok Post, nhiều người dân đã bày tỏ sự kinh ngạc khi giao thông thủ đô trong ngày đóng cửa thành phố lại thông thoáng hơn hẳn mọi khi. Một người chia sẻ với kênh phát thanh giao thông rằng hôm nay anh chỉ mất 5 phút để đi từ giao lộ Ratchayothin đến Trung tâm Văn hóa lúc 8h30 sáng, thay vì 30 phút vào những ngày thường.
Tuy nhiên, một số người dân cũng bày tỏ sự lo ngại rằng việc chiếm đóng thành phố sẽ gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ, nhất là khi lượng khách du lịch bị giảm đi trong mùa cao điểm.
"Tất nhiên là ảnh hưởng đến tôi rồi. Tôi rất bức xúc", ông Tong, 69 tuổi, chủ một tiệm làm tóc, nói. "Không có khách hàng nào đến tiệm hôm nay cả vì họ không lái xe đến đây được".
Lực lượng biểu tình đã thề sẽ chiếm đóng Bangkok cho đến khi giành chiến thắng. Mục đích của họ là phá hoại cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới. Thủ tướng Yingluck tuyên bố đây là biện pháp giải quyết bế tắc chính trị trong nước, nhưng phe đối lập tin rằng đây chỉ là cách đưa các đồng minh của anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin, quay lại cầm quyền.
Phe biểu tình đòi bà Yingluck phải từ chức để thành lập một hội đồng nhân dân, với mục tiêu "đưa Thái Lan thoát khỏi chính quyền Thaksin". Tuy nhiên, họ bác bỏ cáo buộc rằng đang tìm cách khiêu khích một cuộc đảo chính quân sự khác. Quân đội Thái Lan cũng cho biết họ sẽ không can thiệp vào kế hoạch đóng cửa Bangkok và không dùng vũ lực để trấn áp.
8 người, trong đó có một cảnh sát, đã thiệt mạng, và hàng trăm người bị thương trong những cuộc bạo lực đường phố kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra cách đây hơn hai tháng. Đây là làn sóng biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010.
Một số cuộc tuần hành nhỏ cũng đã được tổ chức ở thủ đô, trong khi phe áo đỏ dự kiến tập trung ở nhiều địa điểm tại miền bắc Thái Lan, để bày tỏ sự ủng hộ với cuộc bầu cử tháng sau và phản đối việc làm tê liệt Bangkok.
Anh Ngọc (Video: Channel 4 News)