Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/10. Báo cáo Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói để ứng phó với đợt dịch thứ tư, Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Khi dịch bệnh nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, Chính phủ đã nhanh chóng điều chỉnh, lấy cấp xã là "pháo đài"; người dân là "chiến sỹ"; đưa y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả.
"Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, đến nay, "dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương".
Lãnh đạo Chính phủ cho hay, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý 3 giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư. Tính chung 9 tháng GDP tăng 1,42%.
Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Thủ tướng chỉ ra việc phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam...
Theo ông, vẫn còn tình trạng thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ...
Cùng với đó, tiếp cận nguồn vaccine so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vaccine chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp.
"Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu", Thủ tướng nói. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ lên tới hàng chục triệu.
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường; xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động...
Những tháng cuối năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung cao nhất cho chống dịch, đồng thời khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp với thực tế. "Mọi nguồn lực sẽ được khơi thông cho chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn", Thủ tướng nói.
Năm 2022, một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19... "Không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn", Thủ tướng nói.
Chính phủ đặt ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.
12 giải pháp đã được Chính phủ đề ra, trước hết là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Việc triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, "là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022", theo Thủ tướng.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu... Chính phủ định hướng lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức hợp tác đối tác công tư.
Các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị...
Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệnói đất nước đang dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Thay mặt Quốc hội, ông biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Lãnh đạo Quốc hội cũng "chia sẻ sâu sắc" với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh đồng bào, lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng, xung kích vào cả những địa bàn tâm dịch.
Theo ông Huệ, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Quốc hội "đã tập trung làm việc ngày đêm", phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết cho phép Chính phủ quy định và thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch.
Nhiều chính sách thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được ban hành với gần 100.000 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách để theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách. "Bước đầu thể hiện một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước", ông Vương Đình Huệ nói.
Kỳ họp Quốc hội lần này được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành hai đợt. Đợt một, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu trong 11 ngày (từ 20/10 đến 30/10). Đại biểu ở địa phương nào sẽ tham dự tại điểm cầu địa phương đó. Đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả đoàn Hà Nội) tham dự tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt hai, dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày (từ 8/11 đến 13/11).
Hoàng Thùy - Viết Tuân