Ngày 12/1, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng và Quốc hội làm việc với Đảng bộ cùng chính quyền TP HCM về kết quả thực hiện theo Nghị quyết 54 - giao nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững TP HCM.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2018 dù trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn; đặc biệt là tình hình khiếu kiện kéo dài, kích động biểu tình, xử lý một số vi phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ trước đây... nhưng TP HCM vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó tăng trưởng đạt 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao nhưng thành phố cơ bản hoàn thành nhiệm vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội được thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết.
"Trong quá trình làm việc có nhiều vấn đề đạt kết quả tốt, nhưng cũng có nhiều chính sách chưa được làm rõ, khiến thành phố khó khăn. Vì vậy, cuộc họp hôm nay là để trung ương tháo gỡ những khúc mắc đó", Thủ tướng nói và đề nghị mỗi ngành cần đóng góp giải quyết chặt chẽ, đặc biệt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho TP HCM.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP HCM đánh giá Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội là thời cơ quan trọng, là sự đột phá về thể chế đối với sự phát triển của thành phố.
Với những việc đã triển khai được trong một năm qua, các đề án của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 54 đã chủ động hơn; làm cho các quyết định này nhanh và sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
Việc Chủ tịch UBND thành phố uỷ quyền cho cấp quận huyện, giám đốc sở đã giải quyết được nhiều vấn đề nhanh và hiệu quả thực tế cao hơn. Đặc biệt, việc thực hiện thu nhập tăng thêm đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận chính trị. Ban thường vụ Thành ủy kiến nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư cho thành phố được thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị cao cấp tại Học viện cán bộ thành phố; xem xét chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo đến cán bộ đương nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài, nhà xuất bản; cán bộ thuộc khối nội chính (thẩm phán TAND thành phố, kiểm sát viên, đội trưởng, đội phó thuộc Công an thành phố và các chức danh tương đương trở lên...).
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị, đề xuất một loạt vấn đề với đoàn làm việc của Trung ương, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Cụ thể, ông Phong kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,3 ha (đã được xác định ngoài ranh) để thành phố triển khai các chính sách đền bù, hỗ trợ cho 321 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân.
Thành phố kiến nghị tiếp tục triển khai dự án khu chức năng 2A tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô từ 10 lô đất (tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD) giảm xuống quy mô 6 lô đất (tổng mức đầu tư dự kiến 900 triệu USD). Lý do giảm vì các lô đất còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng (Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm). Đồng thời, cho thành phố rút gọn từ 7 xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.
UBND thành phố cũng muốn được đàm phán với nhà đầu tư để không thực hiện thanh toán và mua lại quỹ nhà tại dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ khu 38 ha phường Bình Khánh, quận 2 (nằm trong Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Thay vào đó, thành phố đề xuất để chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án trên khu đất giao mặt bằng với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại, thành phố sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, phù hợp mục đích sử dụng đất để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất đã giao.
Tham dự hội nghị còn có ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư), Võ Văn Thưởng (Bí thư trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo), Trương Hòa Bình (Phó thủ tướng Thường trực) cùng lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội...
Hữu Công