Chiều 8/1, trả lời VnExpress trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm, ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, sau khi rời TP HCM 11 năm, khi quay lại làm Bí thư Thành uỷ ông vẫn thấy đây là thành phố truyền thống, năng động, cách mạng.
TP HCM đã tích lũy được nhiều nguồn lực rất lớn, như: 4,5 triệu lao động (trong đó một triệu người có trình độ đại học, cao đẳng); năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tốt; nhiều trường đại học, cao đẳng nhất phía Nam; nhiều quan hệ hợp tác quốc tế, song phương thương mại; lực lượng doanh nghiệp khổng lồ (khoảng 300.000), đóng góp 54% GDP của cả nước.
"Tôi rất mừng về những nguồn lực này, song chưa hài lòng vì TP HCM vẫn chưa phát huy hết được lợi thế", ông Nhân nói và cho đây cũng là điều lãnh đạo thành phố luôn trăn trở.
Ông Nhân gọi 2018 là "năm vượt khó". Bởi thành phố đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như vụ gây rối đông người hồi tháng 6, người dân Thủ Thiêm khiếu nại gay gắt, nhiều cán bộ bị kỷ luật...
"Không chỉ người dân mà đảng viên, Thành ủy cũng buồn. Việc phải kỷ luật cán bộ dù đã nghỉ hưu hay đương chức đều tổn thương đến uy tín của thành phố", ông Nhân nói và đề nghị cán bộ phải ghi nhớ những công thức tránh sai phạm, để xác định được đúng sai.
Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ cũng cho rằng, thành phố đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo khi giải quyết những vấn đề khó khăn này. Ông dẫn chứng vụ sai phạm ở Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố đã họp đến 10 lần; hay lần đầu tổ chức diễn đàn kinh tế với gần 800 người tham dự. Một kết quả quan trọng khác là thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, giữ vững vị trí kinh tế đứng đầu cả nước, GRDP đạt 23,9% cả nước.
Để giải quyết vấn nạn ngập nước, ông cho biết thành phố phải thực hiện 4 giải pháp: làm đê ngoài bờ biển ngăn nước biển dâng; làm đê sông, làm cống ngăn triều điều tiết; thoát nước cục bộ cho từng khu vực; các công trình giảm ngập phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân không xả rác.
"Ngoài việc xây đê biển chưa làm được vì lo ngại ảnh hưởng môi trường, thành phố đang thực hiện các giải pháp còn lại. Việc thoát nước cục bộ cho từng khu vực đã được thí điểm ở Thủ Đức và sắp tới sẽ rà soát để thực hiện ở nhiều khu vực khác", ông Nhân nói.
Về tình trạng kẹt xe, ông Nhân chỉ ra nguyên nhân là số km đường trên một km2 diện tích đang quá thấp so với tiêu chuẩn, quy hoạch đất dành cho giao thông còn quá ít. "Đây là hai chỉ số mà thành phố chưa thể giải quyết được, cần phải tìm cách khắc phục vì với tốc độ xây dựng hạ tầng như hiện nay, hơn 100 năm nữa mới có thể đạt chuẩn quốc tế", ông Nhân nói.
Nguyên nhân khác là tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, trung bình 5 năm có thêm một triệu người, gây áp lực lớn cho giao thông thành phố. Giải pháp là thành phố phải làm thêm đường, phát triển giao thông công cộng. Vướng mắc của tuyến metro số 1 hiện đã được giải quyết, dự kiến năm 2020 hoàn thành, hai năm sau thành phố sẽ triển khai tuyến 2.
Trước mắt thành phố sẽ điều tiết bằng giao thông thông minh, tăng cường xử phạt người vi phạm bằng hình ảnh từ camera và tuyệt đối không cho xây nhà cao tầng ở những nơi không có quy hoạch...