Ngày 17/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau 10 tháng cơ quan này hoạt động.
Thủ tướng cho rằng, 2 việc cấp bách mà Uỷ ban Quản lý vốn cần rút kinh nghiệm sau 10 tháng hoạt động, là phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của 19 tập đoàn, tổng công ty được giao về Uỷ ban này. Ngoài ra, cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
"Ủy ban Quản lý vốn không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng, mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa", Thủ tướng nói và lưu ý, trong kinh tế thị trường thời cơ là quan trọng, do đó, Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến.
Ông cũng yêu cầu Uỷ ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm trong xử lý các vấn đề cụ thể của các tập đoàn, tổng công ty.
"Trách nhiệm của các đồng chí là phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện phát triển, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Phải chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực, lạm dụng chức vụ quyền hạn đối với các tập đoàn, tổng công ty", Thủ tướng nhắc nhở, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ, các bộ cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở đề nghị của Ủy ban. Cùng đó, cơ quan này cần tập trung vào kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, "giao quyền phải đi liền với trách nhiệm".
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn cho biết, sau 10 tháng hoạt động cơ quan này đã ban hành 31 quy chế, quy định quản lý nội bộ và 15 quy trình, hướng dẫn công tác nội bộ. Hệ thống thông tin kết nối tới các tập đoàn, tổng công ty được thử nghiệm, làm cơ sở xây dựng Bộ chỉ số và phần mềm giám sát, đánh giá tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp.
Ngay sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, cơ quan này tiếp tục xử lý những công việc dở dang của các Bộ trước khi chuyển giao về Uỷ ban và thực hiện các công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trước những vướng mắc cụ thể tại một số Nghị định được đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nêu, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì tổng hợp trình Chính phủ trong phiên họp tháng 7 để xử lý. "Các bộ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chứ không "khoán trắng" cho Ủy ban trong vấn đề thẩm định một số dự án", ông nói thêm.
Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ tháng 2/2018 nhưng chính thức ra mắt 7 tháng sau đó.
Cơ quan này là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng cổng ty, với số vốn nắm giữ khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn, hiện các tập đoàn, tổng công ty sau khi bàn giao về cơ quan này phần lớn làm ăn có lãi, doanh thu tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21%...
Anh Minh