Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sáng 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tham nhũng trong khu vực Nhà nước còn nặng nề. Tình trạng "sân sau" còn lớn, tình trạng gia đình, bà con thân quen, dòng tộc trong doanh nghiệp Nhà nước vẫn có. Chỉ cần hạn chế tối đa những tiêu cực, giảm chi phí bất hợp lý thì doanh nghiệp Nhà nước đã đóng góp quan trọng hơn trong cơ cấu GDP của quốc gia.
"Cần hạn chế tối đa tình trạng “cha chung không ai khóc”, "cha chung của chung", buông lỏng quản lý, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, để xảy ra hậu quả rất xấu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ của 'siêu uỷ ban' được Thủ tướng giao là chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp cụ thể để phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý.
Với vai trò quản lý số tài sản 5,4 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, 'siêu uỷ ban' trước mắt cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng phương án, lộ trình các công việc cần thiết để bàn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ các bộ, ngành về Ủy ban.
Nhấn mạnh việc đã có chủ trương tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn từ lâu nhưng chưa làm được, chưa có cơ quan quản lý chuyên trách, nên đã xảy ra một số thất bại tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, bây giờ đã có Ủy ban chuyên quản lý vốn Nhà nước thì các bộ, ngành phải tách chức năng này ra càng sớm càng tốt.
"Cần có lộ trình bàn giao chặt chẽ, không để phức tạp, sai sót xảy ra, không được để khoảng trống trong quản lý", ông nói.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm từ cổ phần hoá Vinamilk, Sabeco đem lại lợi ích lớn cho Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước không có chuyện nhập nhằng, phải mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, chống lợi ích nhóm, tham nhũng trong tất cả các hoạt động, các khâu của cổ phần hóa.
Nhấn mạnh việc lựa chọn người tốt, bố trí đúng người, đúng việc, không để kẽ hở cho việc tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng, Thủ tướng nêu rõ, Uỷ ban cần tổ chức cán bộ theo tinh thần tinh gọn, không cần nhiều mà phải bảo đảm chất lượng cao, hoạt động thông suốt, hiệu quả. Ông giao Chủ tịch Ủy ban toàn quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cốt cán.
"Không để các bộ phận không rõ chức năng nhiệm vụ, chồng chéo. Không đưa vào Ủy ban những cán bộ không đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị", ông lưu ý.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ban, ngành hỗ trợ Ủy ban để sớm đi vào hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ngay trong tháng 2 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp dự kiến chuyển giao về Ủy ban; phối hợp chặt chẽ với cơ quan này trong xây dựng phương án, lộ trình các công việc cần thiết để bàn giao.
Trước đó, ngày 8/2, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Anh Minh