Tại buổi thăm và làm việc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quản lý, điều hành, sử dụng vốn và tài sản giai đoạn 2006-2011, tức là chỉ trong vòng 5 năm đầu tiên đơn vị này chuyển đổi sang mô hình tập đoàn.
“Cá nhân gây ra sai phạm đã thôi chức từ những nhiệm kỳ trước nhưng sự việc đáng tiếc xảy ra cách đây 10 năm vẫn là bài học kinh nghiệm cho ban lãnh đạo VRG hiện tại. Tập đoàn cần tăng cường công tác quản trị, chủ động phân cấp giao quyền và giám sát chặt chẽ hoạt động của 119 doanh nghiệp thành viên để tương lai tránh xảy ra tình trạng tương tự”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao việc VRG hoạt động ổn định với nguồn vốn, người lao động, diện tích vùng trồng… quy mô lớn trong bối cảnh khủng hoảng về giá cao su kéo dài hơn nửa thập kỷ. Hai bước tiến đáng chú ý trong giai đoạn này là các ngành công nghiệp phụ trợ được phát triển mạnh và lợi nhuận trước thuế năm ngoái tăng hơn 1.000 tỷ so với cách đây hai năm, đạt khoảng 3.600 tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của VRG trong năm 2018 là hoàn thành phương án cổ phần hóa theo đúng lộ trình được phê duyệt và nhanh chóng thực hiện các thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu quý II, tiến đến niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo minh bạch trong việc sử dụng vốn.
Theo phương án cổ phần hóa vừa được phê duyệt, VRG sẽ bán đấu giá công khai 475 triệu cổ phần, tương đương 11,88% vốn điều lệ với giá khởi điểm 13.000 đồng một cổ phần trong tháng tới. Tính theo mức giá khởi điểm, tập đoàn được định giá vào khoảng 62.000 tỷ đồng.
Về định hướng phát triển trung và dài hạn, Thủ tướng khẳng định cao su tự nhiên tiếp tục là sản phẩm quan trọng, đặc biệt khi sự hiện diện cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng rõ nét, nên đề nghị VRG tập trung mạnh hơn cho công nghệ chế biến để tích lũy giá trị gia tăng.
Trả lời người đứng đầu Chính phủ, ông Trần Ngọc Thuận – Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc VRG cam kết triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm công tác giám sát hiệu quả đầu tư, tiết giảm chi phí… để thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
“Trong bối cảnh giá cao su có dấu hiệu phục hồi nhưng thiếu ổn định, vẫn còn sự chênh lệch cung cầu và diễn biến thất thường nên tập đoàn phấn đấu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt đạt trên 29.000 tỷ đồng và 7.500 tỷ đồng. Dự kiến trong vòng hai năm tới, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn lần lượt cán mốc 40.000 tỷ đồng và gần 9.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu bình quân 21%”, ông Thuận nói và cho biết thêm, ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ được quan tâm đặc biệt thông qua việc đầu tư máy móc, trang thiết bị để tăng gấp đôi sản lượng các mặt hàng như găng tay, nệm, cao su kỹ thuật… lên khoảng 45.000 tấn một năm.
Phương Đông