Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 17/4 ký công điện về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU).
Công điện của lãnh đạo Chính phủ đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới phục hồi, tăng trưởng toàn cầu; trong nước chịu tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế nội tại của nền kinh tế. Nông nghiệp trong nước đối mặt khó khăn khi giá vật tư đầu vào ở mức cao, thị trường bị thu hẹp, khai thác hải sản bất hợp pháp tái diễn, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Trước thực trạng vi phạm IUU, Thủ tướng phê bình các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay. Ông yêu cầu các địa phương kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan và báo cáo trước ngày 15/5.
Các bộ, ngành địa phương cũng phải thực hiện biện pháp mạnh để ngăn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhất là nhập khẩu bằng tàu container theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Bộ Quốc phòng tăng tuần tra, chấm dứt tình trạng vi phạm. Bộ Công an củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin, hồ sơ điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm để răn đe.
Chủ tịch UBND các địa phương ven biển chỉ đạo kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng và tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Địa phương bố trí nhân lực, kinh phí bảo đảm nhiệm vụ chống khai thác IUU cho cơ quan quản lý thủy sản, đặc biệt là tại cảng cá.
Gỡ khó khăn, tăng cạnh tranh cho nông sản Việt, Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành, địa phương rà soát, gỡ vướng mắc pháp lý, giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao sớm sửa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trình Chính phủ trong quý II.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra chính sách phát triển sản xuất quy mô lớn, đa giá trị, tuần hoàn, phát thải thấp. Ngành nông nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch và coi đây là khâu đột phá để tăng giá trị, sức cạnh tranh của nông sản. Ngành này cũng cần phát triển liên kết hợp tác xã theo chuỗi ba nhà (nhà nông - khoa học - quản lý, doanh nghiệp) và ngân hàng.
"Sản phẩm nông sản cần đa dạng hoá, chế biến sâu, tinh nhằm khắc phục tình trạng "được mùa mất giá", phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng", công điện của Thủ tướng nêu.
Về đầu ra cho nông sản, Chính phủ yêu cầu các cấp ngành đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, mở rộng đàm phán tìm thị trường mới để giảm phụ thuộc vào một số bạn hàng truyền thống.
Bộ Khoa học & Công nghệ được giao hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về khu công nghệ cao (trong đó có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), trình Chính phủ trong quý II.