Thủ tướng nói việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đây là dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất nước từ trước đến nay. "Sân bay Long Thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Kết cấu hạ tầng giao thông là mạch máu quốc gia. Giao thông hiện đại, đồng bộ là tiền đề để đón các nhà đầu tư 'sếu đầu đàn' đến đầu tư tại Việt Nam", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhận định, cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách 3 giờ bay đến các trung tâm kinh tế, tài chính lớn của thế giới như Hàn Quốc, Nhận Bản, Trung Quốc..., có khả năng tiếp nhận các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần khai thác tốt tiềm năng của sân bay Long Thành, sớm đưa sân bay thành cảng hàng không cửa ngõ, nơi trung chuyển quốc tế....
Các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các dự án thành phần theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư của các dự án; bảo đảm tuyệt đối an toàn, chất lượng công trình theo thiết kế; đưa sân bay Long Thành giai đoạn một vào khai trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.
Các hạng mục xây sân bay Long Thành giai đoạn một được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần ba gồm: hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, đường giao thông kết nối, đường băng, nhà ga hành khách và hạ tầng hàng không phụ trợ... Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 là khoảng 99.000 tỷ đồng.
Theo tiến độ đề ra, ACV sẽ bắt đầu rà phá bom mìn ngay sau lễ khởi công. Cuối tháng một, đơn vị xây tường rào ranh giới sân bay, đến tháng 9 bắt đầu san nền. Các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường băng, hạ tầng phụ trợ, giao thông kết nối... sẽ được khởi công trong quý III/2022.
Theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, mục tiêu của dự án là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
"ACV cam kết cân đối đầy đủ vốn cho dự án, tập trung nhân lực, phối hợp đơn vị liên quan triển khai dự án đúng quy định pháp luật; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, không vượt tổng mức đầu tư phê duyệt, hoàn thành đưa sân bay vào khai thác năm 2025", ông Thanh nói.
Với dự án thành phần một gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước, được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện.
Dự án thành phần hai là các công trình phục vụ quản lý bay, do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 gồm các công trình như văn phòng làm việc của các hãng hàng không, khu dịch vụ..., được thực hiện bởi các nhà đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn.
Theo quy hoạch, sân bay Long Thành được xây dựng theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm: bốn đường cất hạ cánh, bốn nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Cơ cấu phục vụ hành khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội.
Phước Tuấn - Đoàn Loan