Tối 28/2, phát biểu tại chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa là dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua thăng trầm lịch sử quốc gia, nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.
80 năm trước, khi đất nước trong cảnh thực dân nửa phong kiến suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hoa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua tháng 2/1943. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa.
Những tư tưởng lớn, dân tộc, khoa học, đại chúng trong Đề cương "đã thổi luồng gió mới, có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân". Nhiều văn nghệ sĩ đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo Thủ tướng, 80 năm qua, nhất là gần 40 năm đổi mới, văn hóa dân tộc phát triển, đóng góp to lớn vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, kết tinh giữa bản sắc các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống; từng bước trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia; tính cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nói.
Văn hóa, văn học, nghệ thuật trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, như danh nhân Nguyễn Đình Chiểu viết "chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Văn hóa Việt Nam dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo, được bạn bè quốc tế đón nhận.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, những thành tựu nêu trên "có sự kế thừa, phát triển sáng tạo Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn". Giai đoạn phát triển hiện nay đặt ra không ít thách thức với bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ. Những biểu hiện phản văn hóa diễn ra phức tạp; cạnh tranh lĩnh vực văn hóa khốc liệt hơn; việc bảo vệ các giá trị truyền thống đứng trước nhiều thách thức.
Vì vậy, ông Chính đề nghị các cơ quan tiếp tục làm sáng tỏ những quan điểm và bổ sung nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Văn hóa phải thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là sức mạnh của dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa cần được đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất.
Các cơ quan cần xác định hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Việt Nam sẽ phấn đấu thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại và nâng cao sức đề kháng của người dân với các thông tin xấu độc. Các di sản của Việt Nam như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha - Kẻ Bàng, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, hát Then, xòe Thái, thờ Mẫu, đờn ca tài từ Nam Bộ được quảng bá.
"Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế thời đại", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Sau phát biểu của Thủ tướng và Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng, chương trình nghệ thuật bắt đầu với ba phần: văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa; văn hóa còn thì dân tộc còn.