Ngày 28/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng XIII, đánh giá cập nhật tình hình và hoàn thiện các dự thảo văn kiện trong tình hình mới.
Theo Thủ tướng, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế toàn cầu, nhiều nước tung các gói hỗ trợ lớn, nới lỏng chính sách tài khoá. Với Việt Nam, ngoài các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép "đảm bảo sức khoẻ người dân, không để đứt gãy nền kinh tế và phấn đấu tăng trưởng dương năm nay".
Nêu số liệu tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2020, Thủ tướng cho biết, GDP quý II chỉ tăng 0,36% - thấp nhất trong 30 năm qua. Sáu tháng, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,81%. Sau hơn 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, nhưng sau đó dịch bước vào giai đoạn 2 với ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng vào tháng 7/2020.
"Thế giới chưa có vaccine chính thức, chúng ta phải có chiến lược, định hướng đúng đắn, phù hợp với trước mắt và lâu dài trong tình trạng bình thường mới, sống chung với dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu Tiểu ban rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trong đó tập trung sửa đổi, hoàn thiện dự thảo báo cáo trước tác động nặng nề của Covid-19. Các thành viên Tiểu ban cũng cần phân tích rõ các khó khăn, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2020. Từ đó, bổ sung các bài học, kinh nghiệm rút ra sau thời gian phòng, chống dịch.
"Chúng ta cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, nhất là chỉ tiêu chịu tác động lớn của dịch bệnh như tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người", ông nhấn mạnh.
Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thành viên Tiểu ban kinh tế - xã hội góp ý cụ thể về các vấn đề trọng tâm cần thay đổi so với dự thảo trước đây do tác động của dịch bệnh. Trong đó, có vấn đề về quy hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, xã hội số...
Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong năm 2020. Thủ tướng nhất trí và nhận định "không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn".
Về quan điểm phát triển, Thủ tướng đồng ý với các ý kiến của Tổ biên tập bổ sung nội hàm về chuyển số và hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, chú ý phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc. Cùng đó, "kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh" sẽ là mô hình kinh tế trong 5 năm, trong đó môi trường cũng là một ngành kinh tế.
Về đột phá chiến lược, Thủ tướng kết luận, Tiểu ban thống nhất bổ sung các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính được yêu cầu tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công để vừa phục vụ công tác xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025 trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định.
"Tác động của Covid-19 khiến xu hướng mới diễn ra rất nhanh, vừa là cơ hội, vừa là thách thức trên tất cả phương diện, lĩnh vực cạnh tranh ngày càng gay gắt này. Trong thế giới thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nhạy cảm, nhanh nhạy hơn trong quản trị Nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Anh Minh