Gặp Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển tích cực, với trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Biden thống nhất một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và thảo luận những vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai lãnh đạo cũng nhất trí duy trì trao đổi đoàn ở các cấp, nhất là cấp cao.
Đây là cuộc gặp thứ hai của lãnh đạo Việt - Mỹ trong vòng nửa năm, sau cuộc gặp tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnompenh (Campuchia) vào tháng 11/2022.
Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Biden đánh giá cao kết quả điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 3, trong đó Tổng bí thư đề nghị hai nước đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden cũng đã nhất trí về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS).
Quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa từ năm 1995. Hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013. Năm ngoái, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay cũng gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani và lãnh đạo các thành viên G7 cùng nhiều tổ chức quốc tế.
Tại các cuộc gặp này, lãnh đạo Việt Nam đưa ra nhiều đề nghị hợp tác quan trọng về kinh tế - thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 tại Hiroshima, Nhật Bản. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5.
G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu. Các thành viên G7 sở hữu hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường 10% dân số thế giới.
Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, bên cạnh Indonesia. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản.