Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra ngày 18-20/10 theo lời mời của Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud. Tháp tùng Thủ tướng có các Bộ trưởng Công Thương; Tài chính; Lao động, Thương binh và xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Thống đốc và Thị trưởng thành phố Riyadh, Tổng thư ký GCC, Đại sứ Arab Saudi tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Arab Saudi cùng cán bộ, nhân viên đại sứ quán đón Thủ tướng tại sân bay.
Thủ tướng sẽ cùng lãnh đạo 10 nước ASEAN và 6 quốc gia khu vực Vùng Vịnh thảo luận về hợp tác an ninh năng lượng, tài chính, phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận Halal, chống khủng bố, du lịch và thúc đẩy bảo vệ quyền của lao động di cư. Các hoạt động này sẽ góp phần củng cố quan hệ hợp tác, cũng như tạo động lực hợp tác mới về thương mại, đầu tư giữa các nước.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước ASEAN và GCC gặp nhau sau 33 năm thiết lập quan hệ. Các lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có kế hoạch tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước dự hội nghị; tiếp Tổng thư ký GCC và gặp một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Arab Saudi để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao.
GCC thành lập tháng 5/1981, là liên minh chính trị và kinh tế gồm 6 quốc gia Arab Saudi, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Với lợi thế về trữ lượng dầu và khí đốt, quy mô GDP các nước Vùng Vịnh đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 38.447 USD một năm. Dự báo tổng GDP các nước GCC sẽ cán mốc 6.000 tỷ USD vào 2050.
Đến nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực này đạt 12,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư FDI của 6 nước Vùng Vịnh vào Việt Nam khoảng 1 tỷ USD. Khoảng 11.000 người Việt đang làm việc tại khu vực này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Arab Saudi diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam tại Arab Saudi Đặng Xuân Dũng đánh giá chuyến công tác sẽ tạo xung lực mới, tạo đà quan hệ song phương và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở hai khu vực.
Arab Saudi là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Năm ngoái, thương mại giữa hai nước đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng trên 32% so với 2021. Bảy tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2022. Việt Nam xuất sang Arab Saudi các mặt hàng may mặc, gỗ, gạo, hạt điều, điện thoại các loại và linh kiện, và nhập chủ yếu hóa chất, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo từ nước này.
Nhiều tập đoàn của Arab Saudi đang đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào Việt Nam, như Tập đoàn Zamil Steel, Tập đoàn Sabic. Ngoài ra, Quỹ Phát triển Arab Saudi cấp 181 triệu USD cho 13 dự án vay ưu đãi ở Việt Nam. Hiện có khoảng 4.000-5.000 lao động người Việt làm việc tại Arab Saudi.