Thủ tướng cho biết, việc nới lỏng chính sách tài khóa sẽ đồng thời với mục tiêu ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô.
Chính sách tài khóa nới lỏng là khi một chính phủ tăng chi tiêu Chính phủ hoặc/và giảm thuế. Tuy nhiên, trong phần trả lời hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa đề cập cụ thể về việc này.
Để đạt mục tiêu năm tới, Chính phủ cho biết đã xây dựng năm nhóm giải pháp, đầu tiên là tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội... Dù vậy, theo lãnh đạo Chính phủ, nếu tăng trưởng chỉ 6%, tổng thu năm tới chỉ đạt 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170.000 tỷ so với năm 2020.
"Để giải quyết được vấn đề cân đối thu chi phải tăng cường sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP vượt mục tiêu 6%, bởi 1% GDP tăng thêm giải quyết trên 300.000 việc làm và giải quyết việc tăng thu ngân sách", Thủ tướng nhận xét.
Ngoài giải pháp tăng trưởng, lãnh đạo Chính phủ cho rằng vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA, cũng là mục tiêu cần quan tâm. "Hạ tầng tốt sẽ thu hút đầu tư tốt, giải quyết vấn đề phát triển", Thủ tướng nói và cho biết, Bộ Giao thông vận tải cam kết sẽ khởi công một hạng mục của sân bay Long Thành và cố gắng đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động sau nhiều năm chậm trễ.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh phải thực sự tiết kiệm chi ngân sách, như họp hành, đi nước ngoài, "những việc không cần thiết trong lúc đất nước và thế giới khó khăn", phối hợp với các giải pháp tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.
Minh Sơn