"Chính phủ đang ở giai đoạn cuối cùng trước khi đưa ra quyết định", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói hôm 18/8 khi thông báo về chuyến thăm nhà máy hạt nhân Fukushima vào ngày mai.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tháng trước đã bật đèn xanh cho quyết định xả nước thải của Nhật Bản. Tuy nhiên, nguồn thạo tin nhận định Nhật Bản đã trì hoãn việc xả thải trước thềm cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc để tránh khuấy động sự phản đối từ Seoul.
Sau chuyến thăm nhà máy Fukushima, Thủ tướng Kishida sẽ gặp đại diện của các tổ chức ngư dân để đảm bảo nước xả ra biển đã được xử lý an toàn. Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm xả thải vào ngày 22/8.
IAEA đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan này cho rằng việc xả thải dần dần, có kiểm soát sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn một triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần dần nước thải đã qua xử lý xuống biển. Nhật Bản cho biết nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Trung Quốc nhiều lần phản đối kế hoạch xả thải của Nhật Bản, cáo buộc Tokyo nóng lòng xả thải ra đại dương để trút gánh nặng, thay vì quan tâm môi trường và sức khỏe con người. Chính phủ Hàn Quốc xác nhận kế hoạch xả thải của Nhật bản an toàn, song các nghị sĩ đối lập và nhiều người dân nước này vẫn giữ quan điểm phản đối.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)