Kết luận hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ đã "biết giữ lời hứa, lời nói và hành động đi liền nhau, trong đó có những việc làm quyết liệt".
Ông điểm lại những nỗ lực ngành Công Thương đạt được, như chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, tăng trên 10%, cao hơn 1% mục tiêu Chính phủ giao. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp đà tăng trưởng, là yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung toàn ngành. Xuất siêu cán đích 7,2 tỷ USD, là con số kỷ lục.
Nhắc lại chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam tối 16/1 trước Yemen với sự đồng bộ ở các tuyến, Thủ tướng nhấn mạnh, từng bộ, tỉnh, từng hiệp hội, doanh nghiệp phải có sự phát triển đồng bộ, về cả chuyển dịch cơ cấu, phát triển dịch vụ và thương mại. "Sự đồng bộ trong sự chỉ đạo phải như một đội bóng đá. Chính phủ tin tưởng rằng toàn ngành công thương chỉ có tiến mà không có lùi", ông nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, khiếm khuyết còn "nhiều hơn ưu điểm" và phải nhìn thẳng để xử lý, khắc phục.
Đề cập vấn đề kỷ luật, kỷ cương và nêu gương của cán bộ, ông Phúc nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn trách nhiệm nêu gương của các lãnh đạo trong bộ, ngành Công Thương với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ thực sự vì công việc, sáng tạo, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
Ông nêu ví dụ, văn phòng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và một số đơn vị trong bộ phải dày dạn kinh nghiệm, chặt chẽ trong quản lý. "Trẻ là cần thiết nhưng phải có kinh nghiệm, quản lý đơn vị của mình tốt hơn nữa theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao", Thủ tướng nói.
Ông cũng cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường đã hoàn thành việc sắp xếp lại, hoạt động từ cuối tháng 10/2018 nhưng vẫn chưa làm tốt công tác Đảng. "Mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chức chuyên môn thế nào phải xem xét, tổ chức lại", ông nêu.
Thực tế này cũng được ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội nêu, khi góp ý kiến tại hội nghị. Ông Chung phản ánh, hệ thống quản lý thị trường đã sắp xếp lại, nhưng cơ cấu trong tổ chức Đảng, xử lý đấu tranh chống hàng lậu... chưa tốt do thiếu quy chế phối hợp giữa cơ quan này và các địa phương. "Những quy định hiện nay chậm nên bản thân Hà Nội cũng lúng túng trong chỉ đạo", ông Chung nói và đề nghị Bộ Công Thương cần sớm có quy chế phối hợp, nâng cao hiệu lực quản lý thị trường thời gian tới.
Ngoài tồn tại trong tổ chức cán bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, yêu cầu phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò dẫn dắt trong tái cơ cấu sản xuất công nghiệp... vẫn còn chậm.
Bộ Công Thương chưa chủ động lập, điều chỉnh một số quy hoạch ngành công thương, ngành công nghiệp chưa phát triển đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, theo ông, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn dẫn dắt.
Câu hỏi đặt ra, theo ông, làm sao các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ. Rồi vốn các tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong lúc thế giới có nhiều thay đổi.
"Có môi trường kinh doanh tốt nhưng phải làm sao để Việt Nam trở thành địa bàn dịch chuyển đầu tư, công xưởng của thế giới. Chúng ta có làm được không và cách nào", ông Phúc đặt loạt câu hỏi. Đồng thời ông nhấn mạnh, Bộ Công Thương không được chủ quan, thoả mãn để cùng cả nước lên chuyến tàu cách mạng 4.0, bởi chuyến tàu này, có những thời cơ, vận hội, nhưng cũng nhiều thách thức.
"Phải biến thời cơ thành vận hội. Việt Nam có thể thành con hổ, con rồng hay không chính là phụ thuộc nhiều vào phát triển của ngành Công Thương", ông chốt lại.
Nguyễn Hoài