Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc với UBND TP HCM, sáng 27/7. Hiện, một công chức tại TP HCM phục vụ bình quân 346 người (tính luôn cả số biên chế phường, xã, thị trấn), hơn gấp hai lần so với cả nước (152 người). Bình quân dân số một đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố cao hơn bình quân dân số cấp huyện của cả nước khoảng 239.000 người.
Theo lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu tổ chức bộ máy cho TP HCM theo hướng đặc thù vì quy mô dân số của thành phố khác các tỉnh, thành khác nên cơ chế không thể như nhau. "Hoặc anh tăng lương hoặc tăng biên chế. Phải gãi làm sao cho đúng chỗ ngứa", ông nói.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TP HCM, sáng 27/7. Ảnh: Nhật Bắc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/07/27/aec85d7565bba7e5feaa-5950-1658907985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8AfXpv4iojWi-jRcyueVqA)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TP HCM, sáng 27/7. Ảnh: Nhật Bắc
Góp ý về tổ chức bộ máy của TP HCM, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng do công việc thực tế thành phố đang dôi dư một lượng công chức, viên chức so với số được giao. Việc trả lương cho nhóm này hoàn toàn dùng ngân sách của thành phố, không lấy tiền từ Chính phủ. Tuy nhiên, về quy định, việc này chưa ổn. "Tới đây, kiến nghị Thủ tướng cho nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP HCM về biên chế công chức, viên chức", ông nói.
Cũng theo ông Thừa, quan điểm của Bộ Nội vụ là phân cấp mạnh cho TP HCM. Nếu thành phố mạnh thì không chỉ có lợi cho thành phố, mà cho cả vùng. Trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho thành phố, bộ cũng sẽ làm theo hướng này. "Cái gì gỡ được, phân cấp mạnh cho thành phố thì cố gắng không giữ làm gì", ông nói.
Trước đó, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của thành phố sau khi kiểm soát dịch đã tập trung hồi phục kinh tế. Ông cho biết, thời gian tới, Thường trực Chính phủ sẽ thường xuyên làm việc với thành phố, cố gắng mỗi quý một lần. Cụ thể, tháng 9 tới Thủ tướng sẽ ngồi lại với thành phố để xem việc nào làm được, việc nào chưa, nguyên nhân, từ đó có điều chỉnh.
"Duy trì lịch này, bận mấy cũng phải làm", ông giao nhiệm vụ cho Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Bởi theo Thủ tướng, chủ trương và đường lối nếu vướng mắc có thể xử lý được, song khâu tổ chức, thực hiện nếu lơ là hay bỏ qua khiến hiệu quả công việc không cao. Một số vấn đề TP HCM gặp ách tắc như Vành đai 3; các dự án Metro Số 1, 2; nút giao An Phú... rất cần Chính phủ, các bộ ngành sớm nghiên cứu giải quyết.
Chính phủ sẽ lập tổ công tác thường xuyên làm việc với TP HCM do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm tổ trưởng. Cơ cấu tổ công tác gồm bộ trưởng, thứ trưởng đại diện bộ ngành, đầu mối của TP HCM là Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi. Tổ công tác sẽ thường xuyên trao đổi để tập trung tháo gỡ khó khăn cho thành phố. "Nếu cứ gửi văn bản lòng vòng có khi 6 tháng, một năm cũng không đến được Thủ tướng", lãnh đạo Chính phủ nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra hàng hoạt đề xuất. Trong đó, thành phố đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị quyết triển khai và bố trí vốn cho dự án Vành đai 3. Đồng thời, thành phố đang chuẩn bị hồ sơ cho dự án Vành đai 4, dài 199 km, đi qua 5 địa phương, dự kiến trình Quốc hội giữa năm 2023.
![Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng, sáng 27/7. Ảnh: HMC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/07/27/0t9a9578-jpg-2579-1658897239-1-3717-3892-1658903528.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=44jIgYhBTIbLVkNHNfxykg)
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng, sáng 27/7. Ảnh: HMC
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng xin ý kiến Thủ tướng về định hướng xác định cơ chế vượt trội cho TP HCM. Thời gian qua, khi thực hiện cơ chế đặc thù cho TP HCM theo Nghị quyết 54, và chính quyền đô thị, đã bộc lộ một số vướng mắc. Từ thực tế đó, thành phố mong được chủ động hơn trong các lĩnh vực đầu tư, ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy và thí điểm được cơ chế.
TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho thành phố dùng 7 khu đất để thanh toán cho các hợp đồng BT của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 (TP Thủ Đức).
Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của TP HCM đạt 3,82%; tổng thu ngân sách là 282.000 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm, tăng 20% so với cùng kỳ. Năm nay, TP HCM đặt chỉ tiêu GRDP tăng 6-6,5%.
Thái Anh