Trước câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội về kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật là rất cần thiết để kinh tế tư nhân phát triển. Cùng với đó, theo ông cần hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí, tránh kiểm tra chồng chéo...
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể như cho tư nhân tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên kết...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại con số 31% doanh nghiệp "đi đêm" với cán bộ ngành thuế, hải quan "đi đêm" được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc đến trong phiên trả lời chất vấn hôm 16/11, Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện Chính phủ điện tử, trong đó có triển khai thu thuế điện tử, hoá đơn điện tử sẽ là chìa khoá giải quyết câu chuyện nhức nhối này.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần chuyển những hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, khoảng 3,5-4 triệu hộ lên kinh tế tư nhân nhỏ và vừa.
Theo ông, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển bền vững phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị để làm sao không lâm vào cảnh sớm rời thị trường.
"Hiện Chính phủ đã có chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân", Thủ tướng nói.
Trước băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về doanh nghiệp FDI, Thủ tướng cho biết, năm 2017 sẽ tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. FDI đóng vai trò quan trọng nhưng cũng còn bất cập, cần xử lý. "Có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường", ông Phúc nói và nhấn mạnh, cần phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp FDI trên cơ sở cơ cấu lại.
"Phải tới giai đoạn đất nước cần gì thì kêu gọi đầu tư, chứ không phải cái gì cũng kêu gọi vào làm. Không phải kêu gọi đầu tư bằng mọi giá", ông nói.
Liên quan tới cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết vừa qua đã có nhiều tiến bộ. Cách đây 7-8 năm có hơn 12.000 doanh nghiệp Nhà nước, hiện giảm về còn vài trăm. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn hoá doanh nghiệpNN ra thị trường còn ít chỉ 6-7%. Vì thế cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là một tồn tại cần thúc đẩy.
"Còn nhiều Bộ, ngành chưa tích cực, khối doanh nghiệp Nhà nước chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm cổ phần hoá khi thoái vốn. Các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn thời gian cổ phần hoá kéo dài. Quy mô thị trường còn nhỏ nên hấp thụ vốn còn hạn chế", ông nhìn nhận.
Ông cho biết, có những doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn được thị trường chờ đợi, như Vinamilk vừa rồi bán 3,3% nhưng thu về gần 9.000 đồng. Giá bán lên tới gàn 190.000 đồng một cổ phần, cao hơn gần 40.000 đồng so với giá khởi điểm.
Thủ tướng nhấn mạnh, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình thoái vốn, không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm sai phạm, thất thoát vốn Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, niêm yết trên thị trường chứng khoán...
"Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước không phải thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần chống tham nhũng, tiêu cực. Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ thời gian tới", ông chốt lại.
Hoài Thu