Kỳ này không phải lần đầu tiên ông Đinh Tiến Dũng bị chất vấn về các nhóm vấn đề liên quan nợ đọng thuế, hải quan hay quản lý an toàn nợ công. Tuy nhiên, phần lớn “giải pháp” hay được ông đưa ra là “rà soát khung pháp lý” và “ban hành các văn bản chính sách”. Do đó, trong phiên sáng nay, hơn một lần ông tỏ ra lúng túng khi bị các Đại biểu Quốc hội truy về những “biện pháp đột phá”.
Đầu tiên, khi nói về tình trạng nợ đọng thuế lâu chưa được giải quyết, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp gì mới, có tính chất đột phá không, nếu không, không trả lời cũng được". Tuy nhiên, khi trả lời, ông Đinh Tiến Dũng không đi được thẳng vào giải pháp nên bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở. Bà cho biết, nếu không giải pháp mới ngoài việc Chính phủ tổng hợp các khoản nợ thuế, báo cáo Quốc hội xem xét các khoản nợ không thể thu hồi được, thì không cần trả lời. Thực tế, người đứng đầu ngành tài chính đã không có câu trả lời và ngồi xuống.
Về con số nợ đọng thuế 73.000 tỷ đồng hiện nay, Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Tài chính rằng, con số này đang như thế nào so với các nước trong khu vực? Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời khá lúng túng khi cho biết mức này tương đương các nước như Lào, Campuchia và "chỉ cao hơn một chút" nếu so với khu vực OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Bộ trưởng Dũng cho biết, giải quyết nợ đọng thuế cũng là trọng tâm Bộ triển khai quyết liệt. "Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp tới từng lãnh đạo từ Tổng cục, Cục, phòng, ban... đôn đốc cưỡng chế thuế, nhắn tin đôn đốc nộp thuế", ông cho biết.
Lo ngân sách 'đội nón ra đi', một phần vào túi cán bộ hải quan
Tuy nhiên, trái với sự lúng túng khi trả lời yêu cầu đưa ra giải pháp đột phá cho các vấn đề như chuyển giá, nợ đọng thuế, người đứng đầu ngành tỏ rõ sự dứt khoát và tự tin khi trả lời về chất lượng cán bộ ngành thuế, hải quan.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập tới tình trạng buôn lậu, ngân sách một phần "đội nón ra đi", một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ hải quan và ngân sách thất thu. Trách nhiệm chính ở cán bộ hải quan, nhưng Bộ trưởng lại cho rằng chỉ 28% thời gian kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của hải quan. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu hiện tượng sử dụng công nghệ cao - user giả để hoàn thuế rút ruột ngân sách. Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế từ tham nhũng, thông đồng,... ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách…
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định các vụ việc hầu hết do chính ngành thuế, hải quan phát hiện. Như vụ 213 container, theo ông, là do Tổng cục Hải quan phát hiện ra và trong quá trình ngành tài chính theo dõi, phát hiện thì đã phối hợp với Bộ Công an. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt 3 đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết luôn nêu cao quan điểm chống tiêu cực trong ngành. Ông dẫn chứng vụ việc tại hải quan An Giang năm 2013-2014 bắt 46 cán bộ trong vụ việc liên quan đến 3 doanh nghiệp gian lận hóa đơn, hoàn thuế và cũng do Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với Bộ Công an. Vừa rồi vụ việc đã được xử lý, trách nhiệm rất nặng nhưng đây cũng là giải pháp chống gian lận và vụ container cũng như vậy.
"Nói như vậy để khẳng định tinh thần của Bộ Tài chính là chống tiêu cực trong và ngoài ngành. Do đó, hằng năm số cán bộ liên bị xử lý liên quan đến thực hiện chính sách, nhiệm vụ, quy trình thủ tục là trên dưới 300 người. Và vụ việc 213 container, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngoài những cán bộ tham gia trực tiếp thì những cán bộ liên quan cũng đã kiểm điểm hoặc điểu chuyển sang bộ phận khác", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu số liệu năm 2015 cho thấy, 63% hộ kinh doanh "đi đêm với cán bộ thuế". Thừa nhận con số này nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đến 2016, tỷ lệ này đã giảm còn 31%.
Ông cũng cho rằng, thực trạng này không thể đổ lỗi cho khách quan, mà chính là sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ và Bộ Tài chính quyết tâm xử lý. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng cần rà soát, sửa đổi lại chế độ chính sách. Sau vụ An Giang, Bộ cũng báo cáo Chính phủ đề xuất không cho hoàn thuế của mặt hàng nông lâm thủy sản chưa qua chế biến nữa.
Một mặt hàng đang phải chịu 2 giấy phép
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về những điểm nghẽn trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã xây dựng đề án giao13 Bộ, ngành xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật, theo hướng giảm thiểu số lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Kết quả, hiện các Bộ ngành đã sửa 66/87 văn bản pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành thông quan hàng hoá, đạt 76%.
Năm 2017 Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức áp mã hồ sơ theo danh mục hàng hoá theo chuyên ngành.
"28% thời gian thông quan là trách nhiệm hải quan, còn lại 72% trách nhiệm của các Bộ, ngành", Bộ trưởng Dũng nêu và cho rằng đây là khâu chốt quan trọng phải tháo, nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu hàng hoá thương mại qua biên giới. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận hiện vẫn còn nhiều mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý trong thông quan. Có một mặt hàng thuộc quản lý nhiều Bộ, hoặc chịu quản lý của nhiều cơ quan trong cùng một Bộ. Ví dụ, sữa chua, sữa bột phải kiểm định thực phẩm của Bộ Nông nghiệp, nhưng kiểm tra chất lượng của Bộ Công Thương. Nghĩa là một mặt hàng đang chịu 2 giấy phép. Ông lý giải, một phần do không đáp ứng yêu cầu nhưng cũng yếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn ở các Bộ, nên chồng chéo.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính lập 10 đội kiểm tra chuyên ngành tại các địa bàn trọng yếu: Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ngãi, TP HCM... để thông quan nhanh và có kế hoạch nâng cấp trung tâm kiểm định của Tổng cục Hải quan thành các Cục kiểm định kèm theo phòng thí nghiệm. "Hiện các Bộ, ngành vẫn chưa trao lại quyền kiểm tra chuyên ngành cho hải quan. Không tháo được nút này thì rất ách tắc cho xuất nhập khẩu", ông nói.
Khó thu thuế Facebook, Google
Trả lời đại biểu Quốc hội về thu thuế từ Uber, Grab, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua các doanh nghiệp này đã tự giác kê khai. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã thu truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab hơn 3 tỷ.
Với các loại hình kinh doanh trên mạng, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, "đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Goolge... đã kê khai, nhưng chưa thu được". Tại một số địa phương đã rà soát được nhiều địa chỉ kinh doanh, buộc yêu cầu đăng ký mã số thuế kinh doanh qua mạng... nhưng lâu dài ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng rà soát.
Theo ông, quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó. "Về lâu dài yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Họ đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo", ông nói.
Những câu hỏi về cách xử lý hiện tượng thất thu thuế với các mô hình kinh doanh như Uber, Grab cũng được nhiều đại biểu đưa ra.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập tới vấn đề thu thuế Uber, Grab khi đang phát triển "vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn nhưng đóng góp thuế thấp". Với doanh nghiệp đầu tư ít, lỗ nhiều, nợ thuế nhiều, chủ nước ngoài thì họ lĩnh đủ, hệ luỵ còn lại trong nước gánh.
Tuy nhiên, thời lượng không có nhiều nên các câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng Tài chính trả lời bằng văn bản sau đó.
10 tháng tiết kiệm 170 triệu USD chi phí thông quan cho doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về cơ chế một cửa quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã kết nối 11 Bộ, ngành. Đã xử lý hơn 581.000 bộ hồ sơ. "Lợi ích đem lại cho cộng đồng, doanh nghiệp rất lớn", ông đánh giá.
Ông Dũng dẫn khảo sát của WB cho thấy, thời gian thông quan hàng xuất khẩu đã giảm được 3 giờ, hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ. "Chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD. Bộ ước tính 10 tháng đầu năm nay, tiết kiệm được 170 triệu USD cho doanh nghiệp", ông nói.
Thừa nhận số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ tăng cường kết nối các thủ tục hành chính. Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, quản lý theo rủi ro, hậu kiểm bởi hiện nay vẫn kiểm tra tiền kiểm lớn nên không đáp ứng được thời gian thông quan, chất lượng hàng hoá.
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các ngành rà soát, thống nhất mã HS hàng hoá xuất nhập khẩu; triển khai cơ chế một cửa quốc gia ASEAN 2016 - 2020 và đồng bộ thông tin giữa các Bộ, ngành... Về phía hải quan, Bộ chỉ đạo hoàn thiện giai đoạn 2 dự án nâng cao thông quan tự động; tăng cường năng lực Cục kiểm định hải quan. "Hải quan vừa rồi đã đi đầu, đo đếm và chỉ ra những tồn tại, cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ như vừa qua để khắc phục tình trạng này", ông nói.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời, bà đặt câu hỏi: Với những nỗ lực của ngành tài chính thì có hoàn thành kế hoạch giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm nay?
Bộ trưởng Dũng trả lời, với 200 danh mục hàng hoá và hàng trăm nghìn hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thì cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Từ nay tới cuối năm Bộ sẽ tiếp tục kết nối với các Bộ, ngành. Vừa qua đã kết nối được 41 thủ tục của các bộ, ngành và theo kế hoạch năm nay còn 22 thủ tục nữa. "Theo tiến độ này thì sẽ hoàn thành căn băn kế hoạch đặt ra", ông khẳng định.
Lô thuốc ung thư máu nhập chậm không phải do hải quan
Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu huỷ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm tra lô hàng này hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng, theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành.
Ngày 6/8/2014 sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, công ty đã làm việc với hải quan và hải quan đã thông quan ngay trong ngày. "Việc chậm trễ là do chậm kiểm tra chuyên ngành", ông Dũng nói.
Trước đó hồi tháng 5/2017, Thanh tra TP HCM công bố gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Bệnh viện giải thích thuốc Tasigna lần đầu nhập về Việt Nam nên thủ tục kéo dài hơn một năm, thuốc về kho chỉ còn hạn dùng 10 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân phải đồng chi trả 4% trong một năm, tức 42 triệu đồng nên chỉ 26 người đủ khả năng mua thay vì dự kiến 50.
Áp lực trả nợ ngày một lớn
Câu hỏi về nợ công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận đúng như các đại biểu nói, áp lực trả nợ lớn.
Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành NQ25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%). Thời gian vừa qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. Hiện Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật nợ công sửa đổi. Đã trình Thủ tướng .
Như Quốc hội biết, từ 1/7/2017 chúng ta đã "tốt nghiệp" vay ODA, thời gian tới vay WB thì chủ yếu vay ưu đãi. Lúc này cần tập trung xây dựng vốn vay cho các dự án quan trọng. Ngoài ra cần xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Năm nay bội chi 3,5%. 2018 là 3,8%. 2019 xuống 3,6% và 2020 xuống 3%. Chúng ta sẽ tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Năm ngoái gần như Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp. Có giải ngân các dự án đã bảo lãnh (trước). Hai ngân hàng chính sách, chỉ bảo lãnh cho phát hành ngang bằng số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.
Một trong các giải pháp là có nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm nên trong điều hành cần kiên quyết nghị quyết này, đặc biệt các chỉ tiêu về bội chi liên quan nợ công.
Việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi, hiện cũng đang kiên quyết trong giới hạn Quốc hội thông qua. Đúng là có vấn đề phát sinh nhưng đến năm nay là năm thứ 2 và năm thứ 3 (2018) vẫn trong kế hoạch 300.000 tỷ theo số Quốc hội đã thông qua. Một việc nữa là chú ý cân đối trả nợ đúng hạn
Ngoài ra cần tăng cường minh bạch, hoàn thiện khung đấu thầu thanh tra. Thời gian vừa qua các ngành, thanh tra kiểm toán, kể cả tài chính, các cấp đã vào cuộc và xử lý được một bước.
Về vấn đề chuyển giá, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận đây là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu truy hoàn hơn 3.000 tỷ. Thời gian tới sẽ tiếp tục các ngành triển khai đồng bộ. Theo Bộ trưởng Dũng, trang thiết bị máy móc giá rẻ, kê khai giá cao, đưa vào sau này trích khấu hao là một dạng chuyển giá.
Thu Lan