Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (2/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này.
Phát biểu tại sự kiện, ông cũng bày tỏ trăn trở khi nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế - bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn, sử dụng nhiều nước tưới và các đầu vào khác. Do đó, hiệu quả sản xuất, đời sống của người nông dân còn thấp.
“Nền nông nghiệp hiện nay của Việt Nam như thế nào? Tinh thần kiến tạo của Chính phủ mới trong nông nghiệp là gì?”, lãnh đạo Chính phủ đặt loạt câu hỏi và cho hay đây cũng là điều khiến ông và nhiều thành viên Chính phủ trăn trở. Ông khẳng định, Việt Nam phải chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp kiến tạo.
Giải bài toán nông nghiệp của Việt Nam, theo Thủ tướng, cần có sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam", Thủ tướng nói.
Lời giải nữa là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp.
“Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Ông yêu cầu địa phương khi quy hoạch đất phải theo hướng mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Nơi nào được quy hoạch để phát triển nông nghiệp cao thì cần có hệ thống nước tưới, kênh mương, đường, điện... chứ không phải cứ làm giữa khu đồng không mông quạnh là xong.
"Chính phủ sẽ đồng hành để doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng và thành viên Chính phủ cũng sẽ trực tiếp giới thiệu nông sản sạch của Việt Nam ra thế giới", Thủ tướng khẳng định và cho biết nếu chuyển sang nền nông nghiệp sạch hữu cơ thì không thiếu đầu ra vì các nước trồng rau ôn đới có nhu cầu rất lớn.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nền nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa gần 100 triệu dân và xuất khẩu. Ông cũng cho biết sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 để mở đường cho phát triển nông nghiệp cao tại các địa phương.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - đơn vị đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp sạch tại Hà Nam cho biết dự kiến cuối năm 2017, dự án sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở và sản xuất trên toàn bộ diện tích 180 ha. Đây sẽ là nông trường ứng dụng công nghệ cao về cơ giới hóa, tự động hóa. Sản phẩm là các loại rau củ quả trong nhà màng, nhà có mái che cùng các loại rau an toàn khác. Ngoài sản xuất, dự án dành 5 ha đất để khảo nghiệm các loại giống mới chất lượng, phù hợp thổ nhưỡng đồng bằng sông Hồng với mục đích cung ứng ra thị trường sản phẩm an toàn, từng bước xuất khẩu, đánh dấu vị trí nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Từ dự án khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng mong muốn nhiều tỉnh khác sẽ tiếp tục triển khai chủ trương này.
Thái Mạc - Anh Minh