Theo quyết định ngày 16/11, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Phó ban, các ủy viên là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; đồng thời đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước.
Ban chỉ đạo sẽ xây dựng đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 16 nhiệm kỳ 2026-2030.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, giúp xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung. Bộ cũng có nhiệm vụ đôn đốc các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng kết nghị quyết 18; rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu của bộ, ngành từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12 đến 15 và đề xuất phương án hoàn thiện thời gian tới.
Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn khác theo quy định pháp luật.
Nghị quyết 18 năm 2017 của Trung ương hướng tới xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược. Các bộ, ngành chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ.
Chính phủ phải giảm bớt các ban quản lý dự án, hợp nhất các đơn vị làm việc giống nhau để giảm chi phí. Các cơ quan nhà nước được giao một nhiệm vụ cụ thể và phải chịu trách nhiệm với kết quả làm việc. Một số việc mà nhà nước không nhất thiết phải làm sẽ được giao cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Tháng 3/2023, Bộ Chính trị ban hành Thông báo 50 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 18.
Bốn tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99 về Chương trình hành động nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các bộ, ngành và địa phương được giao kiện toàn tổ chức thông qua việc rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ của các cơ quan, loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lắp; hoàn thiện dự thảo Quyết định về chức năng, quyền hạn của Tổng cục và tổ chức tương đương.
Bộ Nội vụ được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo nguyên tắc "một việc, một cơ quan chủ trì". Hiện Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 yêu cầu trong tháng 12, các cơ quan trực thuộc xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong.
Thời gian qua, các bộ ngành Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 90% phòng trong vụ.
Cơ cấu Chính phủ hiện nay gồm 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Bốn cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Viết Tuân