Phó trưởng ban là Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Ban chỉ đạo còn có 8 ủy viên là thứ trưởng các bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công thương, Quốc phòng, Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp và 2 ủy viên từ Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng là thành viên ban chỉ đạo, do đề án định hướng xây dựng trung tâm tài chính tại hai địa phương này.
Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam được Chính phủ thành lập tháng 10/2023. Lúc đó, Trưởng ban chỉ đạo là cựu Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ban này nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để xây dựng Đề án. Đồng thời ban có trách nhiệm hợp tác, tham vấn các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về việc xây dựng trung tâm tài chính để có thể khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Việt Nam nói chung và TP HCM, Đà Nẵng nói riêng.
Đến nay, Việt Nam có một địa phương là TP HCM nằm trong bảng xếp hạng về "Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI)" của Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc. Năm nay, TP HCM đứng thứ 108, tăng 12 bậc so với năm 2023.
Đầu tàu kinh tế đã chủ động xây dựng Đề án về Trung tâm Tài chính từ năm 2019 và trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào tháng 11/2022. Sau khi có Ban chỉ đạo quốc gia, TP HCM vẫn tiếp tục chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế - chính sách xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương.
Trong nửa đầu năm nay, UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện Đề án dựa trên ý kiến từ Ban chỉ đạo và Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Đồng thời, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài và các đơn vị tư vấn quốc tế để hoàn thiện thêm.
Hiện địa phương này đang rà soát, bổ sung và điều chỉnh các nội dung trọng tâm như phạm vi, mô hình phát triển - quản lý, lộ trình triển khai và xu hướng phát triển trung tâm tài chính.
Viễn Thông