Sáng 20/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017.
Cho rằng hội nhập thời gian qua đạt một số kết quả khả quan, Thủ tướng cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 tăng gấp 3,5 lần so với 2006, riêng năm 2017 đạt kỷ lục 400 tỷ USD. Thu hút FDI đạt thành công lớn, với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn trên 320 tỷ USD; nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, nhiều thị trường mới được mở ra bên cạnh những bạn hàng truyền thống...
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra những bất cập, là sức cạnh tranh của Việt Nam chưa bắt kịp với hội nhập; vẫn còn khoảng cách xa giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài; nhận thức và hành động của một số bộ, ngành, địa phương về hội nhập chưa đầy đủ.
“Hội nhập kinh tế quốc tế cần có quyết tâm chính trị cùng sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Nếu không có quyết tâm, không có hành động cụ thể, làm nửa vời thì chúng ta sẽ thất bại", Thủ tướng nói, đồng thời thúc giục các cấp chính quyền cần xóa bỏ ngay những rào cản thủ tục, chi phí không cần thiết với người dân, doanh nghiệp.
Ông cũng nêu rõ, trong bối cảnh khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế ông yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành kinh tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. Đồng thời, ban chỉ đạo cũng cần đẩy mạnh công tác dự báo, "không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ" trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện.
“Phải có kỷ luật nghiêm về vấn đề này. Một số địa phương chưa quan tâm và chỉ đạo điều này còn kém thì phải khắc phục”, Thủ tướng dứt khoát.
Trước bối cảnh hội nhập mới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh - Phó trưởng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới nhằm tận dụng các ưu đãi. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới công nghệ, chủ động ứng phó với các rủi ro.
Ông nhìn nhận, hỗ trợ của Chính phủ sẽ thiếu ý nghĩa nếu bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đúng, đủ khó khăn, thách thức. Vì thế, doanh nghiệp phải biết đối thoại pháp lý để đối phó với những rào cản thương mại mới, đặc biệt là các hàng rào phi thuế quan trong hội nhập.
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề "Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới" thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu trong nước, quốc tế. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tròn 10 năm (2007-2017). Một thập niên tham gia sân chơi lớn của thế giới chưa phải là một chặng đường dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với Việt Nam và GDP bình quân đầu người đã tăng lên hơn 2.000 USD là một trong những kết quả đáng ghi nhận. |
Anh Minh