Nhận định này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1, sáng 1/2. Theo đó, các cân đối lớn nền kinh tế như tăng trưởng ổn định, lạm phát tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ 2022.
Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - những trụ đỡ của nền kinh tế - đều có mức tăng trong tháng đầu năm. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng tăng hơn 8%.
Xuất, nhập khẩu cũng lần lượt tăng 42% và 33% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy xu hướng hồi phục qua từng tháng. Việt Nam ước xuất siêu trên 2,9 tỷ USD.
"Kinh tế tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực", Thủ tướng đánh giá.
Đầu năm, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế 2024 của Việt Nam có thể tăng cao hơn 2023. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%.
Kết quả tháng 1 là tiền đề, tạo đà cho phát triển cả năm, song Thủ tướng cũng nhìn nhận nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, khi Việt Nam vẫn đối diện thách thức từ sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn, áp lực lạm phát toàn cầu hay xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia.
Những vấn đề nội tại nền kinh tế chưa được giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Tháng 1 ghi nhận gần 53.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy rủi ro vẫn tiềm ẩn.
Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dư nợ tín dụng đến ngày 18/1 giảm hơn 1,5% so với cuối 2023, cho thấy tiếp cận vốn của khu vực kinh doanh vẫn vướng.
Trong bối cảnh này, tương tự 2023, năm nay Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua tăng đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu và khai thác các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thu hút FDI.
"Cần có các giải pháp làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới", Thủ tướng yêu cầu.
Cùng đó, ông lưu ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông cũng yêu cầu thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy tối đa nguồn lực tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...
Để thúc đẩy tăng trưởng đạt 6-6,5% năm nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng bên cạnh cải cách thể chế, Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại. Các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư, theo cơ quan ngành kế hoạch, cần thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, công nghiệp, tạo việc làm.
Giải pháp khác là thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen. Mặt khác, các chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản cần được đẩy nhanh hơn, phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội năm nay.