-
17h00
Thủ tướng trả lời chất vấn "không né tránh"
Phát biểu kết luận phiên chất vấn 2,5 ngày qua, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đã có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn, có 22 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, đại biểu đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước; câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao.
Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, đưa ra được các giải pháp cho trước mắt và lâu dài.
-
16h55
Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến
Trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, thời gian trả lời chất vấn ngắn, đại biểu hỏi nhiều vấn đề đều lớn nên "cái gì chưa được thì mong đại biểu và đồng bào cử tri cả nước thông cảm".
"Những công việc cụ thể, thể chế hóa đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội chưa tốt thì Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng", Thủ tướng nói, mong đại biểu, đồng bào cử tri cả nước chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn. Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến.
-
16h45
Nghiên cứu quy định về mua nhà xã hội
Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Quốc hội cho Lò Thị Luyến nêu, chính sách về nhà ở xã hội được cử tri cả nước rất quan tâm. Nhiều người có nhu cầu nhà ở xã hội nhưng nguồn cung thiếu. Tuy nhiên, với các quy định hiện nay, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội. "Đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian tới có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?", bà Luyến chất vấn.
Đại biểu Lò Thị Luyến. Ảnh: Media Quốc hội
Thủ tướng cho rằng muốn có nhà ở xã hội thì điều quan trọng nhất là nguồn lực, phải tháo gỡ về cơ chế để có hợp tác công tư. "Tôi nói đơn cử là một doanh nghiệp muốn mua nhà cho công nhân thuê lại thì cũng vướng về luật, nên cần rà soát để sửa", ông nói, cho biết nhiều nước đã chia nhà ở xã hội thành các nhóm để mua, thuê, thuê mua. Việt Nam chưa có chính sách về thuê mua nên cần nghiên cứu thêm. Ai có tiền thì mua nhà ngay, người không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê trong 10-20 năm trả xong. Vì vậy, cần tính toán lại phương thức mua nhà xã hội.
Về quy hoạch, Thủ tướng cho rằng nếu dự án chung cư cao cấp mà phải dành 20% làm nhà ở xã hội thì cũng có bất cập, nên cần nghiên cứu phù hợp, sát thực tế, khả thi hơn.
-
16h40
Tìm điểm cân bằng 'cung đẩy, cầu kéo' để chống lạm phát
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chất vấn Thủ tướng về mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 đưa ra khoảng 4,5% liệu có khả thi hay không?. Bà đề nghị Thủ tướng chỉ rõ giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ luôn kiên trì mục tiêu nền tảng vĩ mô, trong đó có kiểm soát lạm phát. Ông phân tích, lạm phát gồm hai nội hàm: cầu kéo và cung đẩy. Do đó, muốn chống lạm phát tức là phải giảm cầu kéo, tìm cung đẩy, nhất là cung đẩy từ bên ngoài cho hợp lý.
"Chúng ta phải tìm cân bằng giữa cung đẩy và cầu kéo sao cho phù hợp, nhưng cũng phải cân bằng với thúc đẩy phát triển. Lựa chọn mục tiêu thế nào để vừa thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát, đây là điểm cân bằng rất quan trọng", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn, chiều 5/11. Ảnh: Phạm Thắng
Về cầu kéo, theo Luật Thống kê, hiện có 752 mặt hàng, 11 nhóm hàng hoá, dịch vụ được thống kê và tính trong rổ hàng hoá. Một số nhóm hàng, dịch vụ tác động lớn tới rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như ăn uống (39,3%), xây dựng - vật liệu xây dựng (19%), trang thiết bị gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế... Theo ông, 7 nhóm hàng hoá, dịch vụ lớn hiện chiếm 86% trong rổ tính CPI, nên chống lạm phát phải tập trung vào những nhóm này để giảm cầu kéo, cộng với việc đưa tiền ra qua đầu tư công hợp lý.
Về kiểm soát cung đẩy, như trong lĩnh vực xăng dầu, Chính phủ đã giảm thuế, phí, lệ phí... để giảm giá giá đầu vào mặt hàng quan trọng này. "Giữ ổn định vĩ mô rất quan trọng, trong đó phải tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng - lạm phát - việc làm", ông nhấn mạnh.
-
16h35
Xác định giá thương hiệu khi hợp tác công tư
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu việc hợp tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong định giá thương hiệu công. "Thủ tướng có giải pháp gì cho vấn đề này, bởi nếu định giá được thương hiệu công thì sẽ phát huy hiệu quả hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục?", ông Hiếu chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Media Quốc hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hợp tác công tư xây dựng thương hiệu với các nước trên thế giới đã tương đối bài bản. Trong hoạt động thể thao, đã có định giá thương hiệu câu lạc bộ Liverpool, Manchester United. Định giá cơ sở, tổ chức bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu.
"Đây là cơ sở để chúng ta suy nghĩ về xây dựng thương hiệu không những cho tổ chức, doanh nghiệp công mà cả khối tư nhân", Thủ tướng nói, cho rằng cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, thực hiện hợp tác công tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục.
Theo ông, khi hợp tác công tư thì phải tính cả giá trị thương hiệu chứ không phải chỉ là cơ sở vật chất. Đơn cử như Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP HCM hoặc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... có thương hiệu được xếp hạng thì khi hợp tác công tư phải tính giá trị thương hiệu. "Chúng ta cần thay đổi nhận thức về thương hiệu, từ đó tận dụng nguồn lực xã hội khi hợp tác công tư", lãnh đạo Chính phủ nói.
-
16h20
Thủ tướng: tinh giản biên chế phải sát thực tiễn
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (thường trực Ủy ban Văn hóa), do tinh giản bộ máy và biên chế nên cán bộ công chức cấp xã đang phải làm quá nhiều việc, quá tải về khối lượng công việc. Một công chức văn hóa cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực. Bà đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp cho vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa. Ảnh: Media Quốc hội
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời vấn đề này hôm qua. Ông cũng biết rằng công chức ở cơ sở, bình thường công việc đã nhiều, khi có sự cố còn nhiều hơn. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về tinh giản bộ máy, biên chế, trong đó có cán bộ cấp xã, cơ sở cần sát thực tế. Cần làm rõ đặc thù ở cấp xã, chính quyền đô thị và nông thôn, từ đó cân bằng bộ máy, con người, bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất. "Làm sao để dung hòa điểm chung, điểm riêng và đặc thù của các nơi, vùng miền khác nhau", Thủ tướng nói.
-
16h15
Vaccine và ý thức người dân đã giúp Việt Nam đẩy lùi dịch Covid-19
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng dịch Covid-19 là phép thử với điều hành của Chính phủ, hệ thống chính trị. Thời gian tới, Việt Nam lại phải đối mặt với diễn biến khó lường của tình hình thế giới, nguy cơ dịch bệnh và các tình huống tương tự đại dịch Covid-19, sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng dịch chồng dịch. "Xin Thủ tướng cho biết kinh nghiệm, bài học dự phòng rủi ro tương lai để không bị động, bất ngờ?", ông An đặt vấn đề.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn Thủ tướng chiều 5/11. Ảnh: Phạm Thắng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc chống dịch trong hơn hai năm qua là "chưa có tiền lệ, không dự báo được và mất nhiều công sức để kiểm soát. Trong quá trình chống dịch, Việt Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để đưa ra giải pháp ứng phó với tình hình mới.
Ông nhắc lại ba trụ cột chính trong chống dịch là xét nghiệm, cách ly và điều trị; đồng thời đưa ra công thức chống dịch 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + ý thức người dân. Ở giai đoạn đầu, khi chưa tiếp cận được vaccine, quá trình chống dịch phải dùng tới các biện pháp hành chính. Sau đó, Việt Nam đã xây dựng chiến lược vaccine, công thức chống dịch. "Vaccine và ý thức người dân là hai thành tố quan trọng giúp chúng ta đẩy lùi được dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn chiều 5/11. Ảnh: Phạm Thịnh
Một số bài học được rút ra trong quá trình phòng, chống dịch, theo Thủ tướng trước tiên là hoàn thiện thể chế. "Chúng ta thiết kế luật pháp phải bám sát thực tiễn, nhưng pháp luật bao giờ cũng trễ hơn thực tiễn. Vừa qua chóng dịch thể chế còn thiếu, nên cần hoàn thiện", ông nói, đồng thời nhấn mạnh việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 về chính sách tài khoá, tiền tệ cho phục hồi kinh tế đã kịp thời xử lý vấn đề liên quan tới thể chế. Việt Nam cũng rút ra, cần củng cố con người; tăng cường, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...
-
16h15
Cải cách thể chế bám sát thực tiễn
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nói ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bà đề nghị Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn chiều 5/11. Ảnh: Phạm Thắng
Thủ tướng cho biết cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược mà Chính phủ phải làm. Quan điểm về cải cách thể chế là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm. Các trụ cột cần tập trung là xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thứ ba là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt của ba trụ cột này là lấy con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Quốc hội, Chính phủ theo nghị quyết của Bộ Chính trị đang triển khai rất tích cực. Hàng tháng, Chính phủ có phiên họp chuyên đề bàn về cải cách thể chế, xây dựng pháp luật; đến nay đã xem xét được 70 luật, trình Quốc hội hơn 10 luật, những nghị quyết khác cũng đang được tích cực xây dựng.
-
16h12
Điều hành phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đại biểu đặt câu hỏi nói chậm để Thủ tướng và người điều hành phiên họp ghi chép.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên chất vấn chiều 5/11. Ảnh: Phạm Thắng
-
16h10
Việt Nam tập trung ba động lực tăng trưởng
Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đề nghị Thủ tướng cho biết bài học phục hồi kinh tế, duy trì tăng trưởng sau Covid-19.
Đại biểu Hoàng Văn Liên. Ảnh: Media Quốc hội
Thủ tướng nói, Việt Nam có ba nền tảng vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, việc làm. Vừa qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Bằng các giải pháp khác nhau, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu này.
Vì nguồn vốn có hạn nên Chính phủ đã tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Đó là quan điểm và giải pháp lớn để đất nước có được thành quả như hiện nay.