Chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn tại Quốc hội sớm hơn 20 phút, do phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong kết thúc sớm hơn dự kiến.
Từ 14h50, lãnh đạo Chính phủ báo cáo giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và năm 2023; tăng năng suất lao động.
Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn của đại biểu từ 15h15 (giải lao từ 15h30 đến 15h50). Trong hơn một giờ, Thủ tướng giải đáp nhiều câu hỏi. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp đã đề nghị đại biểu nói chậm để Thủ tướng và người điều hành kịp ghi chép.
Mở đầu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, khó đoán định, đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam. "Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về vấn đề này để thống nhất phát ngôn và hành động", ông nói.
Thủ tướng cho biết trong cương lĩnh Đại hội XIII, Hiến pháp đã quy định rất rõ Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối chung này với ba trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thu được nhiều kết quả quan trọng. "Đường lối đối ngoại của chúng ta là không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực trên thế giới, phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua, chúng ta thể hiện thái độ theo tinh thần như vậy", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ biểu dương Bộ Ngoại giao thời gian chống dịch đã làm tốt nhiệm vụ ngoại giao vaccine, một trong ba cấu phần quan trọng gồm quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn quốc. Nhờ đó, số vaccine đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, tiết kiệm được chi phí.
Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) nói, nhiều người có nhu cầu nhà ở xã hội nhưng nguồn cung thiếu. Với các quy định hiện nay, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội. "Đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian tới có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?", bà Luyến chất vấn.
Thủ tướng cho rằng muốn có nhà ở xã hội thì quan trọng nhất là nguồn lực, tháo gỡ cơ chế để có hợp tác công tư. "Tôi nói đơn cử một doanh nghiệp muốn mua nhà cho công nhân thuê lại thì cũng vướng về luật, nên cần rà soát để sửa", ông nói, cho biết nhiều nước đã chia nhà ở xã hội thành các nhóm để mua, thuê, thuê mua. Việt Nam chưa có chính sách thuê mua nên cần nghiên cứu thêm. Ai có tiền thì mua nhà ngay, người không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê trong 10-20 năm là trả xong.
Về quy hoạch, Thủ tướng cho rằng nếu dự án chung cư cao cấp mà phải dành 20% làm nhà ở xã hội thì cũng có bất cập nên các cơ quan cần nghiên cứu phù hợp, sát thực tế và khả thi hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (thường trực Ủy ban Văn hóa), do tinh giản bộ máy và biên chế nên cán bộ công chức cấp xã đang bị quá tải về khối lượng công việc. Một công chức văn hóa cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực. Bà đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp cho vấn đề này?
Chia sẻ biết công chức ở cơ sở ngày bình thường công việc đã nhiều, khi có sự cố còn nhiều hơn, Thủ tướng cho rằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về tinh giản bộ máy, biên chế, trong đó có cán bộ cấp xã, cơ sở cần sát thực tế. Cần làm rõ đặc thù ở cấp xã, chính quyền đô thị và nông thôn, từ đó cân bằng bộ máy, con người, bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất. "Làm sao để dung hòa điểm chung, điểm riêng và đặc thù của các nơi, vùng miền khác nhau", Thủ tướng nói.
Chung sự quan tâm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nói ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bà đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế?
Lãnh đạo Chính phủ cho hay, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược mà Chính phủ phải làm. Quan điểm là bám sát, xuất phát và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích người dân, lấy người dân làm trung tâm. Các trụ cột cần tập trung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt ba trụ cột này là lấy con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Quốc hội, Chính phủ theo nghị quyết của Bộ Chính trị đang triển khai rất tích cực.
Chậm ban hành nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ ngành là vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh quan tâm. "Nguyên nhân của tình trạng này là gì và Thủ tướng có giải pháp gì?", bà chất vấn.
Thủ tướng trả lời Chính phủ phấn đấu tháng 11 và đầu tháng 12 hoàn thành các nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ ngành, với tinh thần bám sát Nghị quyết Trung ương về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
"Dự kiến giảm 17 tổng cục, 8 cục, hơn 100 vụ. Đây là kết quả đáng mừng, tuy có chậm nhưng lấy chất lượng, hiệu quả bù lại", ông nói.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường. Bà đề nghị Thủ tướng cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông... được xác định thế nào. "Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta?", bà Nguyệt đặt câu hỏi.
Người đứng đầu Chính phủ nói, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, vì vậy cần nhận thức và hành động tương xứng với tác động, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ, ngành khảo sát lại tác động của biến đổi khí hậu đến từng khu vực, ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế, đảm bảo nguồn lực, hạ tầng đối phó với biến đổi khí hậu; huy động nguồn lực từ Nhà nước và cả tư nhân; đào tạo nguồn lực, hợp tác quốc tế; tăng cường điều phối, quản trị quốc gia.
Thủ tướng cho biết nhiệm kỳ này đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, gấp ba lần so với nhiệm kỳ trước (134.000 tỷ đồng). Sắp tới, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện dự án BOT, từ đó xin ý kiến cấp có thẩm quyền để ban hành chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu việc hợp tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong định giá thương hiệu công. "Thủ tướng có giải pháp gì cho vấn đề này, bởi nếu định giá được thương hiệu công thì sẽ phát huy hiệu quả hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục?", ông Hiếu chất vấn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hợp tác công tư xây dựng thương hiệu với các nước đã tương đối bài bản. Trong hoạt động thể thao, câu lạc bộ Liverpool, Manchester United đã được định giá thương hiệu. Định giá một tổ chức sẽ bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu.
"Đây là cơ sở để chúng ta suy nghĩ về xây dựng thương hiệu không những cho tổ chức, doanh nghiệp công mà cả khối tư nhân", Thủ tướng nói, cho rằng cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, hợp tác công tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục.
Theo ông, khi hợp tác công tư phải tính cả giá trị thương hiệu chứ không chỉ cơ sở vật chất. Đơn cử Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM hoặc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... khi hợp tác công tư phải tính giá trị thương hiệu. "Chúng ta cần thay đổi nhận thức về thương hiệu, từ đó tận dụng nguồn lực xã hội khi hợp tác công tư", lãnh đạo Chính phủ nói.
Trước khi kết thúc phần trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, thời gian ngắn, đại biểu hỏi nhiều vấn đề lớn nên "cái gì chưa được thì mong đại biểu và đồng bào cử tri cả nước thông cảm". "Những công việc cụ thể, hay việc thể chế hóa đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội chưa tốt thì Chính phủ sẽ tiếp tục cố gắng", Thủ tướng nói, mong đại biểu, đồng bào cử tri cả nước chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn. Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe ý kiến.
Hội trường Diên Hồng vang lên tiếng vỗ tay khi Thủ tướng kết thúc phần trả lời chất vấn.
Phát biểu kết luận 2,5 ngày chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đã có 345 lượt đại biểu đăng ký; trong đó 149 lượt đại biểu đã chất vấn; 22 lượt tranh luận. Đại biểu đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước; câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao.
Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, làm rõ nhiều vấn đề đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại của ngành, đưa ra được các giải pháp cho trước mắt và lâu dài.
Viết Tuân - Sơn Hà - Hoài Thu
Xem diễn biến chính