Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi họp cùng Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, sáng 7/12, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn, tức ngân hàng có tiền mà không tiêu được. Đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng 9,15%, đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ khoảng 3 điểm phần trăm.
Theo Thủ tướng, ngân hàng và doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ trong hệ sinh thái kinh tế. Vì thế, mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, "góp gió thành bão" cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển.
"Chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng cần linh hoạt. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án của họ khả thi thì có cho vay không? Tinh thần là cần giải được bài toán tiếp cận tín dụng khó, có tiền mà chưa tiêu được", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng, các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề về trách nhiệm chung của các đơn vị này khi trong khó khăn vẫn "muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi một chiều". Tương tự, ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận nhưng lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. Do đó, ông nói chính sách phải linh hoạt, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Để tìm lời giải cho bài toán tín dụng, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các ngân hàng thương mại nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, để cùng đóng góp và "cần cả sự hy sinh, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm việc nào dứt việc đó".
"Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên bước đi phù hợp và phải có lộ trình để sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ theo chuẩn quốc tế", Thủ tướng lưu ý.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ, như Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đến cuối tháng 10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được các nhà băng cơ cấu lại trên 158.690 tỷ đồng.
Hiện cơ quan này xem xét và sẽ báo cáo Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02.
Riêng với bất động sản, ngoài các chính sách tháo gỡ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án, số tiền 1.986 tỷ đồng. Tới cuối tháng 11, 4 dự án trong số này được giải ngân 143 tỷ đồng.
Ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước đã "chia" lại hạn mức tín dụng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu. Tăng trưởng tín dụng chung trong năm 2023 vẫn giữ nguyên chỉ tiêu đã xác định từ đầu năm (14,5%).
Tuần trước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm quá trình xây dựng, giao, điều chỉnh hạn mức cho các nhà băng.
Chia sẻ với bên lề họp báo Chính phủ chiều 6/12, Phó tổng thanh tra Bùì Ngọc Lam cho biết, ngay sau chỉ đạo này Thanh tra Chính phủ có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp các thông tin, phục vụ việc thanh tra. Ông Lam nói việc thanh tra sẽ được tiến hành với tinh thần khẩn trương, nhưng đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Cuối tháng 11, Thủ tướng cũng có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm từ việc điều hành tín dụng chậm trong năm 2022. Việc điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 cần kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.