Phát biểu khai mạc cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 5/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, trước đây dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhưng Việt Nam chưa tiếp cận được vaccine do khan hiếm trên thế giới. Các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế.
"Chúng ta phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn đó".
Chỉ ra thực tế vẫn có nơi còn chủ quan, tốc độ tiêm vaccine còn chậm, Thủ tướng nêu rõ phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; phòng dịch tốt thì không phải chống... "Thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng", ông Chính nói.
Vừa qua, nhiều nước đã xuất hiện biến chủng mới. Có nước ghi nhận hàng trăm nghìn ca Covid-19 mới mỗi ngày. Kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam vài tháng. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị đại biểu dự họp thẳng thắn thảo luận về nguyên nhân dẫn đến thực trạng tiêm vaccine chậm và đề ra giải pháp; đánh giá tình hình dịch bệnh với diễn biến mới để đưa ra quan điểm tiếp tục chống Covid-19.
Theo Bộ Y tế, biến thể BA.5 của chủng Omicron đã xuất hiện tại nhiều nước, nhất là châu Âu. WHO khuyến cáo các nước duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho nhóm nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ ca bệnh trở nặng.
Tại Việt Nam, từ giữa tháng 3 đến nay, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đều giảm mạnh. Trong 6 tháng qua, số mắc chững lại khoảng 600-700 ca mỗi ngày.
Đến hết ngày 3/7, cả nước tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine Covid-19. Nhóm dân số từ 12 tuổi cơ bản được tiêm đủ liều. Nhóm trẻ từ 5 tuổi có hơn 50% được tiêm mũi một; 20% tiêm mũi hai.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, bao phủ đủ hai mũi cho 80% dân số, vượt mục tiêu WHO đề ra. Tỷ lệ tiêm mũi ba cho người từ 18 tuổi gấp đôi trung bình thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số nước như Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...
Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. "Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine Covid-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới", Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19, riêng đợt thứ tư (từ ngày 27/4/2021) ghi nhận hơn 43.000 ca tử vong.