Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra với các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại buổi làm việc về cơ chế cung ứng điện chiều 3/10.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những năm gần đây cân đối điện năng phục vụ cho phát triển kinh tế đã được bảo đảm tốt, phục vụ tích cực cho sản xuất, đời sống của nhân dân. Tuy vậy, với tốc độ tăng nhu cầu điện nhanh, đặc biệt là khu vực phía Nam, nếu không giải quyết tốt một số vấn đề sẽ dẫn đến thiếu điện nghiêm trọng ngay trong năm 2018.
“Chúng ta cứ tưởng tượng một nền kinh tế, xã hội thiếu điện thì có thể gây hỗn loạn với sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Dự báo của EVN cho thấy, 3 năm nữa miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền và sản lượng điện thiếu hụt mỗi năm khoảng 10-15%. Từ năm 2017, tập đoàn này sẽ phải huy động khoảng 5 tỷ kWh điện mỗi năm từ nguồn chạy dầu để cung ứng cho miền Nam. Sản lượng này sẽ tăng lên 8,5 tỷ kWh sau 2-3 năm tới.
Trong khi đó, chi phí chạy dầu phát điện thường đắt gấp đôi so với nhiệt điện than, theo số liệu tính toán của Bộ Công Thương.
“Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 đến 7%. Điều đó cho thấy nhu cầu về điện rất lớn cho nền kinh tế. Nếu không giải quyết tốt sẽ phải dùng dầu diesel để phát điện, gây tốn kém chi phí”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ một số chủ trương, cơ chế và các biện pháp với tinh thần không để thiếu điện, ảnh hưởng đến đời sống người dân, phát triển của đất nước
Dữ liệu cập nhật của EVN cho thấy, 8 tháng đầu năm điện thương phẩm của tập đoàn này đạt 104,505 tỷ kWh, tăng 11,37% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, điện thương phẩm nội địa đạt khoảng 103,59 tỷ kWh. Từ đầu năm đến nay đã 2 tháng liên tiếp (tháng 7, 8), EVN không mua điện từ Trung Quốc.